Quy Mông nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây đao riềng

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2021 | 7:40:29 AM

YênBái - Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, thời gian qua, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, năng suất cao đưa vào sản xuất. Trong đó, đao riềng là một trong những cây trồng thế mạnh, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.

Xã viên Hợp tác xã Miến đao Việt Hải Đăng, xã Quy Mông trong quy trình chế biến miến đao.
Xã viên Hợp tác xã Miến đao Việt Hải Đăng, xã Quy Mông trong quy trình chế biến miến đao.

Trồng cây đao riềng từ nhiều năm nay, nên gia đình ông Đỗ Danh Toàn ở thôn An Thịnh, xã Quy Mông luôn có nguồn thu ổn định từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Ông Toàn cho biết: "Nhà tôi có trên 1 ha đao riềng trên đất soi bãi, mỗi năm thu được khoảng 100 tấn củ tươi tương đương gần 11 tấn bột đao xuất bán ra các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và các hộ dân làm miến trong xã. 

Được biết, xã đang triển khai thực hiện Dự án "Phát triển sản xuất đao riềng gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm miến đao Quy Mông theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị” nên tôi đã mạnh dạn đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng với mong muốn tới đây có thể sản xuất miến đao, tạo thêm thu nhập cho gia đình”. 

Là cơ sở sản xuất miến đao có thương hiệu, Hợp tác xã (HTX) Việt Hải Đăng ở thôn Thịnh Lợi, xã Quy Mông đã tận dụng lợi thế địa phương phát triển nghề làm miến đao và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến đao Quy Mông thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. 

Chị Phùng Thị Tuyền - Giám đốc HTX Miến đao Việt Hải Đăng cho biết: "Trung bình mỗi ngày, chúng tôi sản xuất từ 80 - 100 kg miến thành phẩm. Năm 2020, HTX xuất bán 5 tấn miến, doanh thu 350 triệu đồng, đem lại thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng cho các thành viên. Năm 2021, HTX được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên cho vay 400 triệu đồng đầu tư dây chuyền sản xuất miến đao và mua nguyên liệu, mở rộng nhà xưởng với quy mô sẽ xuất bán khoảng 10 tấn miến đao, doanh thu khoảng 700 triệu đồng”.

Những năm gần đây, trồng đao riềng mang lại nguồn thu nhập cao, nhiều hộ trong xã đã chuyển đổi đất soi bãi và đất vườn tạp để đầu tư mở rộng diện tích trồng. 

Hiện, toàn xã Quy Mông có gần 300 hộ trồng đao với diện tích lên tới 60 ha, tập trung tại các thôn: Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Hưng và Thịnh Lợi. Xã đã quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển cây đao riềng theo hướng hàng hóa, đạt tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa từ khâu trồng đao, chế biến tinh bột đến sản xuất ra sản phẩm miến đao. 

Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm chủ lực; trong đó, có sản phẩm miến đao Quy Mông, phấn đấu nâng cấp sản phẩm từ OCOP 3 sao lên OCOP 5 sao trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Tiến Chiển - Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông cho biết: "Nhờ cây đao riềng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên, các hộ dân tích cực tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập. Số hộ nghèo giảm còn 3,36%, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 41 triệu đồng/năm. Bộ mặt nông thôn của  Quy Mông cũng có nhiều khởi sắc khi người dân đã đóng góp gần 65 tỷ đồng vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Đây chính là tiền đề để xã Quy Mông đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2022 và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025”.
Thu Trang

Tags Quy Mông Trấn Yên nâng cao hiệu quả kinh tế cây đao riềng OCOP 3 sao OCOP 5

Các tin khác
Nuôi cá trên hồ Thác Bà của Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.

Với khuôn khổ pháp lý cùng các cơ chế, chính sách mới thuận lợi, Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 được ví như một luồng gió mới làm khơi dậy kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX, tổ hợp tác (THT). Tuy nhiên, cùng với đó, cũng bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc, đòi hỏi phải có những điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, các dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặt biệt là dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến rất phức tạp.

Quá trình thẩm định ATTP còn khó khăn bởi một số quy định hiện hành.

Việc sửa đổi Thông tư số 38, Thông tư số 48 và Thông tư số 16 là cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm và bảo đảm tính hợp pháp.

Các thông số ô nhiễm có trong khí thải và bụi của Nhà máy Xi măng Yên Bái đều được cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm tra.

Thời gian qua, thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Yên Bái đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo; đồng thời tích cực đôn đốc, hướng dẫn Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái thực hiện việc lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động liên tục bụi, khí thải đối với 2 nhà máy xi măng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục