Yên Bái: Giao thông nông thôn - “đòn bẩy” phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/11/2021 | 7:41:11 AM

YênBái - Hết năm 2020, mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) toàn tỉnh được kiên cố hóa đạt 50,8% đã kết nối vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi với các tuyến quốc lộ, cao tốc. Riêng 10 tháng năm 2021, Yên Bái kiên cố hóa được 411 km/ 400 km đường GTNT, đạt 102,75% kế hoạch.

Nhân dân thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn chung sức làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn chung sức làm đường giao thông nông thôn.

>> Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thanh Bình giám sát thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn tại huyện Văn Chấn

Có mặt tại thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn vào một ngày cuối tuần, thời tiết lúc nắng, lúc mưa rừng bất chợt, song không làm sụt giảm không khí làm đường GTNT của bà con nơi đây. Tuyến đường đặc thù dài 2 km rộng 1,2 m đi vào xóm Ngã 2 là đường vào điểm cuối cùng của thôn dự kiến được hoàn thành sau 1 tháng khởi công. Để hoàn thành con đường này, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, 104 hộ trong thôn đều là đồng bào Dao đã đồng tình góp sức và góp mỗi gia đình từ 500.000 - 1,5 triệu đồng mua vật liệu, thuê máy móc san ủi, kiên cố hóa đường giao thông”. 

Bà Lý Thị Náy - người dân xóm Ngã 2, thôn Vàng Ngần phấn khởi: "Trước đây, đường vào bản khó đi lắm, mưa trơn không đi lại được. Giờ được Nhà nước hỗ trợ làm đường, bà con vui lắm và chở quế không sợ ngã nữa”. 

Ông Đặng Kim Lý - Chủ tịch UBND xã Suối Quyền cho biết: "Từ đầu năm đến nay, xã đã hoàn thành 4,5 km đường liên thôn, nội thôn với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng; trong đó, nhân dân góp gần 840 triệu đồng, còn lại là Nhà nước hỗ trợ. Đường sá đi lại thuận lợi, làm thay đổi diện mạo bản làng, hàng hóa vận chuyển cũng dễ dàng hơn đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Địa phương xác định, phát triển GTNT là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy công cuộc xóa đói nghèo và phấn đấu hết năm 2021, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 24,4% xuống còn 18%”.

Không chỉ ở xã Suối Quyền, phong trào làm đường GTNT đã phát triển mạnh mẽ ở tất cả vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2020, trong tổng số trên 7.600 km đường GTNT của tỉnh, đã có gần 3.900 km đường được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 50,8%. 

Đề án Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 đã chỉ rõ mục tiêu cụ thể: Toàn tỉnh phấn đấu kiên cố hóa khoảng 2.000 km đường GTNT (theo Đề án Phát triển GTNT là 900 km; các chương trình, dự án khác là 1.100 km). 

Theo Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 18/12/2020 và Chương trình hành hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái đưa ra mục tiêu: Năm 2021, phấn đấu kiên cố hóa khoảng 400 km đường giao thông nông thôn; khối lượng kiên cố hóa đường GTNT theo Đề án năm 2021 là 180 km. 

Riêng trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 411 km, đạt 102,75%; trong đó, thực hiện theo Đề án GTNT là 310,91/180km, đạt 172,72%; tổng kinh phí đã thực hiện xây dựng các công trình GTNT trên địa bàn tỉnh trên 396 tỷ đồng, theo Đề án Phát triển GTNT là 210,77 tỷ đồng gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh 78,18 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện 36,26 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp và nhân dân đóng góp là 96,33 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở GTVT tỉnh cho biết: "Hiện nay, các địa phương đang triển khai thực hiện xây dựng đường GTNT theo kế hoạch vốn đợt 2 được giao tại Quyết định số 1910/QĐ-UBND ngày 7/9/2021 và bằng các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến, trong 2 tháng cuối năm 2021, tỉnh sẽ kiên cố hóa thêm khoảng 80 km, nâng tổng số đường GTNT được kiên cố hóa trong năm 2021 lên trên 491km”. 

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển GTNT gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… theo Đề án Phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt với phương châm linh hoạt trong triển khai thực hiện. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn và sự tham gia của nhân dân để hoàn thành các tuyến đường, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo đà thúc đẩy  kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. 
Thanh Chi

Tags Yên Bái giao thông nông thôn kinh tế Đề án Phát triển giao thông nông thôn

Các tin khác
Người dân mua sắm tại siêu thị Dũng Linh, thành phố Yên Bái.

Sở Công Thương tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 2592/KH-SCT ngày 17/11/2021 về việc đảm bảo sản xuất, lưu thông và cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Giá xăng tăng gần 25.000 đồng/lít nhưng quỹ bình ổn giá mặt hàng này không còn nhiều

Ngày 18-11, Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, đến hết quý 3-2021, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ còn số dư 824,08 tỷ đồng.

Gia đình anh Đinh Xuân Chinh ở thôn Đá Khánh (thứ 2, trái sang) có thu nhập cao từ cây quế.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Kiên Thành đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao thông qua các mô hình trồng tre măng Bát độ, trồng quế, trồng keo kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ tổng hợp…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục