Nuôi ốc nhồi - hướng đi mới ở Văn Phú

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/11/2021 | 7:41:22 AM

YênBái - Mấy năm gần đây, người dân ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích trồng lúa, nuôi cá kém hiệu quả sang nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen). Đây là hướng đi thích hợp để nông dân Văn Phú phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nhờ nuôi ốc nhồi, đến nay, hàng năm gia đình ông Đỗ Văn Phương thu về trên 600 triệu đồng.
Nhờ nuôi ốc nhồi, đến nay, hàng năm gia đình ông Đỗ Văn Phương thu về trên 600 triệu đồng.

Mô hình nuôi ốc nhồi của ông Đỗ Văn Phương ở thôn Bình Sơn là một trong những mô hình nuôi ốc đầu tiên của xã Văn Phú. Năm 2016, từ số ốc tự nhiên bắt được, ông Phương mang về nuôi thử nghiệm. Sau hơn 3 tháng nuôi, lứa ốc đầu tiên đã thành công.

Nhận thấy nuôi ốc nhồi rất dễ, chi phí đầu vào thấp lại ít bệnh dịch, thời gian sinh trưởng ngắn mà hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa hoặc nuôi cá, ông Phương mạnh dạn cải tạo hơn 3.000 m2 để nuôi ốc thương phẩm và ốc giống. Từ mấy vạn con giống ban đầu, đến nay, hàng năm gia đình ông Phương xuất bán trên 3 tấn ốc thương phẩm và trên 100 vạn ốc giống, thu về trên 600 triệu đồng. 

Ông Phương chia sẻ: "Đến nay, tôi đã có kinh nghiệm nuôi ốc hơn 10 năm, nhưng bắt đầu nuôi tập trung, quy mô lớn từ 2016. So với nuôi cá, trồng lúa... thì nuôi ốc nhồi dễ dàng hơn nhiều, vì đây là loại giống ăn tạp, thức ăn chủ yếu là bèo, các loại lá, thời gian nuôi và thu hoạch chỉ hơn 3 tháng, đầu ra ổn định, giá bán luôn dao động ở mức 90.000 đồng - 110.000 đồng/kg”.

Cũng như ông Phương, tháng 3/2016, ông Phạm Thế Cầu ở thôn Bình Sơn bỏ ra 6 triệu đồng để mua ốc bố mẹ và ốc con nuôi thử nghiệm. Sau 3 tháng, lứa ốc này đã mang về cho gia đình 50 triệu đồng tiền lãi. Thấy lợi nhuận cao mà ốc nhồi đem lại hàng năm, ông Cầu mở rộng diện tích nuôi trồng. 

Đến nay, gia đình ông có hơn 5.000 m2 mặt ao nuôi ốc, hàng năm thu về trên 700 triệu đồng; trong đó, chủ yếu từ tiền bán ốc giống, bán trứng với mức giá 700.000 đồng - 1,5 triệu đồng/kg, ốc bố mẹ bán giá 200.000 đồng - 300.000 đồng/kg. 

Theo ông Cầu, ốc nhồi có nhiều ưu điểm: phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, dễ nuôi, ít bệnh; ăn tạp; thịt giòn được người tiêu dùng ưu chuộng, hiệu quả kinh tế cao rất nhiều lần so với nuôi trâu, bò, lợn, cá giống.

Qua tìm hiểu thực tế, ốc nhồi có kháng tốt, dễ chăm sóc, cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi ốc nhồi. Thức ăn của ốc bươu đen hoàn toàn là bèo tấm, lá cây, sắn, chuối, các loại rau, củ, quả nên dễ tìm, chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao (thu nhập đem lại cao hơn 13 lần so với trồng lúa và 3,2 lần so với nuôi cá/cùng một diện tích), đầu ra ổn định. 

Nắm bắt được ưu thế này, thời gian qua, xã Văn Phú tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi vật nuôi đối với những diện tích trồng lúa, nuôi cá kém hiệu quả sang nuôi ốc bươu đen. Nhờ vậy, đến nay, toàn xã có 7 hộ nuôi ốc và thành lập được 1 hợp tác xã nuôi ốc với 7 thành viên. 

Ông Nguyễn Anh Quyền - Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: "Từ chỗ nuôi tự phát, đến nay, người dân đã nuôi có quy mô biết liên kết theo chuỗi sản phẩm thông qua Dự án "Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm ốc nhồi thương hiệu xã Văn Phú”. Việc người dân nuôi ốc nhồi không chỉ tạo hiệu quả về mặt xã hội như tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và tận dụng được nguồn tài nguyên có sẵn của địa phương”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã Văn Phú tiếp tục rà soát, tuyên truyền vận động nhân dân nhân rộng mô hình nuôi ốc nhồi; chủ động phối hợp với cơ quan, ban ngành có liên quan để tìm đầu ra cho sản phẩm ốc nhồi đảm bảo lâu dài, ổn định, với sản lượng tiêu thụ trên 15 tấn/năm, góp phần quan trọng đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao hiệu quả tại các vùng chuyển đổi. 
Văn Tuấn

Tags Văn Phú nuôi ốc nhồi nuôi ba ba nuôi cá thu nhập cao

Các tin khác
Nhân dân thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn chung sức làm đường giao thông nông thôn.

Hết năm 2020, mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) toàn tỉnh được kiên cố hóa đạt 50,8% đã kết nối vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi với các tuyến quốc lộ, cao tốc. Riêng 10 tháng năm 2021, Yên Bái kiên cố hóa được 411 km/ 400 km đường GTNT, đạt 102,75% kế hoạch.

Người dân mua sắm tại siêu thị Dũng Linh, thành phố Yên Bái.

Sở Công Thương tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 2592/KH-SCT ngày 17/11/2021 về việc đảm bảo sản xuất, lưu thông và cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Giá xăng tăng gần 25.000 đồng/lít nhưng quỹ bình ổn giá mặt hàng này không còn nhiều

Ngày 18-11, Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, đến hết quý 3-2021, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ còn số dư 824,08 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục