Tăng tốc các dự án sắp hoàn thành giải ngân
Được giao kế hoạch vốn năm 2021 hơn 2.931 tỷ đồng, đến cuối tháng 11/2021, dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45 đã giải ngân hơn 2.634 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Số vốn cần giải ngân còn lại của dự án còn gần 300 tỷ đồng đang được BQLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) tập trung nguồn lực tăng tốc tiến độ cán đích các hạng mục cuối để cán đích.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 (BQLDA Thăng Long) cho biết, nhiệm vụ cán đích hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công dự án nằm trong tầm tay, vì hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật với chiều dài hơn 63 km dự án qua 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành. Trong 2 tháng tới, các nhà thầu dự án dồn lực thi công với 68 mũi, tại 5 gói thầu xây lắp. Đặc biệt, hạng mục quan trọng nhất của dự án là hầm Thung Thi dài 680 m tại gói thầu XL12 do Công ty CP Xây dựng Đèo Cả và Tổng công ty Xây dựng Hoàng Long thi công đã đục thông ống hầm bên phải tuyến, ống hầm bên trái tuyến dự kiến sẽ thông trong tháng 12/2021...
Năm 2021, BQLDA Thăng Long được giao kế hoạch hơn 8.202 tỷ đồng, tập trung giải ngân cho các dự án: Cao tốc Mai Sơn - QL45, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long... Đến cuối tháng 11/2021, Ban đã giải ngân được 6.839 tỷ đồng, đạt 83,4% kế hoạch năm.
Còn theo ông Hoàng Triệu Long, Trưởng phòng Kế hoạch (BQLDA) 6, năm 2021, đơn vị được giao 2.094 tỷ đồng vốn đầu tư công để giải ngân các dự án: Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, dự án nâng cấp QL4 đoạn Hà Giang - Lào Cai, dự án thành phần 2 thuộc dự án cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25… Hiện, Ban đã giải ngân hơn 1.630 tỷ đồng, đạt 78%.
Tương tự, BQLDA 7 đang tập trung triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm ở khu vực phía Nam như: Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2, dự án nâng cấp QL53… , với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 60% kế hoạch năm. Ban cũng đang tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu quyết liệt thi công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT...
Tuy nhiên, nhiệm vụ hoàn thành giải ngân vốn đặt ra cho ngành GTVT cũng đang gặp không ít khó khăn khi một số dự án giải ngân chậm. Rà soát của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho thấy, năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn 43.397 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được khoảng 29.114 tỷ đồng, đạt hơn 67% kế hoạch năm, phần vốn giải ngân còn lại khoảng 14.259 tỷ đồng trong 2 tháng tới không dễ.
Đến thời điểm này, một số dự án vẫn đang chậm tiến độ giải ngân như: Dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất (BQLDA Mỹ Thuận) chậm 192 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24 (Sở GTVT Kon Tum) chậm 118 tỷ đồng; dự án nâng cấp QL57 (Sở GTVT Bến Tre) chậm 116 tỷ đồng; dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Cà Mau (BQLDA7) chậm 132 tỷ đồng…
Đáng chú ý là các dự án cần phải giải ngân vốn lớn như dự án vốn ODA cần giải ngân 3.108 tỷ đồng (dự án nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án Đáy Ninh Cơ, dự án kết nối Mê Kông, dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh Long Xuyên…) và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam cần phải giải ngân 3.884 tỷ đồng... Ngoài ra là các dự án giao thông cấp bách cũng cần phải giải ngân 3.131 tỷ đồng (cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất).
Hết 31/1/2022 phải đảm bảo giải ngân trên 95% vốn
Trước thực tế trên, tại cuộc họp kiểm đếm tiến độ dự án và tiến độ giải ngân vốn mới đây với các BQLDA, chủ đầu tư, nhà thầu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã vừa ký quyết định ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua theo chuyên đề "Đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021”.
"Tối hậu thư" của tư lệnh ngành GTVT yêu cầu sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân đứng đầu đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, tiêu chí thi đua mà Bộ GTVT đặt ra với các BQLDA, chủ đầu tư là tập thể phải hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đến hết tháng 12/2021 giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch và đến 31/1/2022 giải ngân trên 95% kế hoạch.
Bộ GTVT sẽ phân công lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác xây dựng cơ bản, đặc biệt kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị số 06 ngày 14/6/2021 của ngành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, nhất là các đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao như ngành GTVT và sẽ công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Đối tượng, phạm vi, thời gian kiểm tra, đôn đốc là các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; các dự án đang triển khai thực hiện trong năm 2021 và một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm năm 2022. Thời gian kiểm tra từ ngày 22/11/2021 đến hết ngày 10/12/2021; đồng thời, xem xét trách nhiệm người đứng đầu lãnh đạo trong xử lý điểm nghẽn giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương.
(Theo Tin tức)