Chị Trịnh Thu Hương ở tổ 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái thường xuyên mua hàng nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa ở gần nhà. Vừa qua, chị Hương vẫn qua địa chỉ quen thuộc mua sữa tươi cho con. Hôm đó, sau khi uống sữa thấy con trai nhăn nhó, kêu mùi kinh, chị xem hạn sử dụng thì đã hết gần 2 tuần, cắt hộp sữa bên trong đã lên men có màu vàng và mùi chua.
Điều đáng nói là dù bực bội chị Hương cũng chỉ bỏ sữa đi và nghĩ lần sau sẽ không mua ở cửa hàng đó nữa thay vì mang sữa đến cửa hàng để yêu cầu đổi trả hay kiến nghị tới cơ quan chức năng. Lý do chị Hương đưa ra là không thích lằng nhằng mất thời gian và vì đó là cửa hàng quen nên ngại.
Còn bà Nguyễn Thị Tình ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình bị bệnh đau xương khớp nhiều năm nay, bà thường uống thuốc của cơ sở điều trị xương khớp có uy tín và thấy có hiệu quả. Gần đây bà có đặt thuốc qua fanpage của một công ty bà hay mua. Có số điện thoại gọi điện cho bà Tình giới thiệu là nhân viên cơ sở điều trị thuốc xương khớp, quảng cáo công ty đang có chương trình tri ân khách hàng giảm giá sản phẩm và tặng quà. Chủ quan không kiểm tra lại thông tin, bà Tình đặt một liệu trình nhưng khi nhận hàng, bà phát hiện hộp thuốc xương khớp là hàng giả. Thay vì khiếu nại để bảo vệ quyền lợi, bà Tình chấp nhận chịu thiệt thòi và bỏ qua coi như bài học cho mình.
Việc mua phải hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, tâm lý cho qua, ngại khiếu nại như các trường hợp nêu trên không phải là hiếm mà khá phổ biến hiện nay, nhất là với người mua hàng online.
Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc NTD bị xâm hại quyền lợi, tuy nhiên số vụ việc khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý lại không nhiều. Từ năm 2015 đến nay, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh tiếp nhận 25 vụ việc, đơn khiếu nại của NTD.
Hội đã tư vấn, hướng dẫn chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền và bảo vệ thành công quyền lợi cho các trường hợp liên quan đến khiếu nại chế độ bảo hành ti vi, bảo hành điện thoại. Còn một số vụ việc khác do không đủ giấy tờ, chứng cứ xác minh nên cũng không thể hỗ trợ bảo vệ NTD.
Nguyên nhân việc bảo vệ quyền lợi NTD còn gặp nhiều khó khăn là do nhận thức của phần lớn NTD nói chung còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Nhiều trường hợp NTD bị xâm hại về quyền lợi khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không biết khiếu nại ở đâu, yêu cầu bồi thường như thế nào.
Nhiều người lại chủ động im lặng, bỏ qua, không lên tiếng, không thông tin với cơ quan chức năng để kịp thời vào cuộc, giải quyết… nguyên nhân khiến NTD ngại lên tiếng là do chưa có thói quen sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi trong tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp còn gây khó khăn bằng các thủ tục rườm rà hay cố ý chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết ý kiến khiếu nại khiến NTD nản và bỏ cuộc. Bên cạnh đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh còn hạn chế về kinh phí hoạt động; cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi NTD.
Về phía quản lý thị trường, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của ngành công thương thời gian qua được thực hiện quyết liệt, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý, giải quyết dứt điểm.
Qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn không ít các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây hại cho sức khỏe NTD được sản xuất, lưu thông trên thị trường; nhiều sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật vẫn được tung ra trên nhiều kênh thông tin khác nhau…
Trước thực trạng hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của NTD ngày càng phức tạp và gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn nữa về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Tăng cường thông tin cho NTD nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên hơn. Đồng thời giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khuyến khích NTD lên án, tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi NTD…
Thu Hiền