Tại "vựa rau xanh” lớn nhất thành phố Yên Bái, thời điểm này, nông dân xã Tuy Lộc đang tích cực chăm sóc, gieo trồng các loại rau màu để đáp ứng nhu cầu rau xanh của thị trường. Trên khắp các cánh đồng từ thôn Minh Long, Hợp Thành đến Minh Thành, người dân tất bật thu hoạch và làm đất cho lứa rau tiếp theo
Bà Nguyễn Thị Hải ở thôn Minh Long chia sẻ: "Rau giờ thoải mái rồi. Nhà tôi có 4 sào quanh năm trồng rau và mùa nào thức ấy. Vừa qua, mưa nhiều quá rau không lên được, nhà tôi bị hỏng gần 700 cây bắp cải và mấy luống cải ngọt gieo sớm bị thối nhũn. Bây giờ, thời tiết thuận lợi hơn, rau phát triển rất nhanh nên ngày nào cũng có rau đi chợ”.
Vừa thu hoạch xong 4 luống cải mơ, đang làm đất để chuẩn bị cho lứa tiếp theo, bà Nguyễn Thị Hậu cho biết: "Trong tháng 10 có nhiều đợt mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày nên rau bị hỏng, nhiều diện tích rau phải gieo tới 3 lần mới được thu hoạch. Có những luống rau của gia đình tôi, nếu thuận lợi thì thời điểm này đã có thể bán, nhưng do phải gieo đi gieo lại nên giờ rau rất non, chưa thể thu hoạch. Hiện tại, thời tiết thuận lợi nên nhiều hộ đẩy nhanh thời vụ bằng cách chọn những loại rau ăn lá ngắn ngày, thu hoạch rau non. Sau khi thu hoạch, việc làm đất, xử lý đất, lên luống được khẩn trương thực hiện để gieo lứa mới”.
Tuy Lộc hiện là xã có thế mạnh về trồng rau với tổng diện tích trên 40 ha, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường trên dưới 10 tấn rau xanh. Để đảm bảo cung ứng nguồn rau xanh cho thị trường, cùng với tích cực tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh về thời vụ gieo trồng, xã cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học; tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày để tăng thu nhập; đồng thời, thường xuyên kiểm tra rau màu để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Vừa qua, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh đầu mùa nên trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là rau xanh. Thêm vào đó, thời điểm giao mùa giữa rau vụ hè thu và rau vụ thu đông nên thị trường rau trở nên khan hiếm và giá tăng đột biến. Hiện tại, thời tiết đã thuận lợi hơn, người dân cũng áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng và chăm sóc rau nên rau phát triển tốt, giá đã hạ và có loại rau giá chỉ bằng 1/3 so với cách đây 2 - 3 tuần.
Chị Hoàng Hải Yến ở tổ 11, phường Yên Ninh cho biết: "Cách đây nửa tháng, 1 bữa cơm tôi phải mua 15.000 đồng - 20.000 đồng tiền rau và giờ chỉ 7.000 đồng - 10.000 đồng. Giá rau đã hạ nên lượng rau xanh trong bữa cơm của gia đình tôi đã được tăng lên gấp đôi”.
Có mặt tại một số chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái, đa số các tiểu thương cho biết giá các loại rau đã hạ và hiện tại chỉ còn một số loại rau phải nhập từ Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La) giá vẫn cao.
Cụ thể, các loại rau cải có giá 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg, bắp cải 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg, súp lơ 45.000 đồng/kg, su hào, cà chua 25.000 đồng/kg, su su 12.000 đồng -15.000 đồng/kg, các loại rau gia vị như hành, mùi 30.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông năm 2021, toàn tỉnh trồng trên 3.110 ha rau, đậu, củ quả các loại. Thời điểm đầu vụ, tiến độ gieo trồng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do thời tiết mưa nhiều. Tuy nhiên, hiện tại thời tiết thuận lợi, người dân đã tích cực xuống giống, chăm sóc các trà rau tiếp theo. Với tốc độ, tiến độ quay vòng liên tục các trà rau của người dân như hiện nay, chắc chắn từ nay đến cuối năm nguồn rau xanh sẽ dồi dào, giá tiếp tục hạ.
Tuy nhiên, để giải bài toán nguồn cung, trước mắt, người dân nên chọn những loại rau ăn lá ngắn ngày, gieo liền chân để nhanh được thu hoạch. Bên cạnh đó, cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật đơn giản như: lên luống cao, làm vòm che thấp, tăng cường kiểm tra, tiêu úng sau mỗi trận mưa để hạn chế thiệt hại trong sản xuất.
Ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Vụ đông năm nay, các loại cây trồng chủ lực vẫn gồm: ngô, khoai lang, khoai tây và rau màu các loại. Đối với các loại cây rau màu, các địa phương cần trồng rải vụ nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung. Cùng đó, chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chú trọng tạo ra chuỗi liên kết nhằm tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác”.
Hồng Duyên