Yên Bái: Khoa học và công nghệ - “đòn bẩy” cho OCOP

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/12/2021 | 7:44:45 AM

YênBái - Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến, đến nay, toàn tỉnh đã có 104 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 95 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP đóng vai trò là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...

Nhân viên Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An đóng gói sản phẩm.
Nhân viên Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An đóng gói sản phẩm.

Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An (huyện Văn Yên) là chủ thể của 5 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao: tinh dầu thực vật, tinh dầu sả chanh, tinh dầu quế, An đường cao, Phú nữ cao. Đây là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã có chỗ đứng trên thị trường. 

Để có những sản phẩm này, bên cạnh yếu tố bí quyết gia truyền, Công ty đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ việc trồng vùng nguyên liệu cho đến dây chuyền sản xuất, mẫu mã, bao bì… Đối với vùng nguyên liệu, cây dược liệu được chú trọng đến việc trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật để có được hàm lượng dược liệu cao nhất và đặc biệt là không sử dụng thuốc hóa học. 

Bà Trần Thị Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ: "Từ năm 2005, chúng tôi nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm tinh chất, dễ sử dụng, dễ bảo quản, đáp ứng nhu cầu của người dân. Công ty cũng đã đổi mới và đưa vào vận hành hệ thống máy móc ở tất cả các khâu như: tinh chất, cô đặc, đóng chai.... Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, mẫu mã đa dạng thu hút người tiêu dùng”.  

Để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm, những kiến thức đầu tiên trong việc lựa chọn cây, con giống phù hợp cho đến các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm đều có vai trò của khoa học - công nghệ. Khoa học - công nghệ còn hiện diện trong hệ thống máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất, xây dựng, quản lý, điều hành hệ thống chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm ra thị trường. 

Ở công đoạn nào, nếu khoa học - công nghệ được phát huy thì ở đó giảm được nhân công và sức lao động, sản phẩm tạo ra đảm bảo về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, là bước đệm để tiến tới các thị trường khó tính. 

Là sản phẩm đạt OCOP 4 sao, sản phẩm miến đao Giới Phiên của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên ở thành phố Yên Bái (HTX) được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và cả nước biết đến.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc HTX cho biết: "Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 100 tấn miến đao, trong đó đưa vào hệ thống siêu thị BigC ở miền Bắc khoảng 30 tấn/năm, ngoài ra còn có hệ thống nhà phân phối rộng khắp các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…. Việc sản xuất miến đao hiện nay vẫn cơ bản là thủ công, HTX mong muốn xây dựng thêm nhà xưởng, kho chứa hàng, đầu tư lò sấy, máy ép miến tự động để quy trình sản xuất miến khép kín, không phụ thuộc vào thời tiết, từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm”.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp sau khi ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, đã được nâng tầm cả về mẫu mã, chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt trong bối cảnh của thương mại điện tử và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến càng cần được chú trọng, nhất là việc cập nhật dây chuyền công nghệ mới, quan tâm đến nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm… Đây là "đòn bẩy” không thể thiếu để các sản phẩm OCOP vươn xa. 

Hoài Anh

Tags Yên Bái khoa học công nghệ OCOP sản phẩm miến đao Giới Phiên

Các tin khác
Trụ sở Bộ Tài chính tại Hà Nội.

Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ bãi bỏ một số thông tư.

Chiều 15/12, đoàn công tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam do ông Rê-mi Nô-nô Gô-đim - Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Giá vàng giảm 350.000-500.000 đồng/lượng. Ảnh minh họa

Ngày 15-12, giá vàng trong nước giảm mạnh tới 500.000 đồng/lượng, xuống mức 61,2 triệu đồng/lượng. Diễn biến này xuất phát từ thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa

Tính đến 30/11, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái có tổng nguồn vốn 3.601 tỷ đồng, tăng 289 tỷ đồng so với đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục