Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xúc tiến thương mại, khuyến công nhằm hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng cùng với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần làm ấm không khí mua sắm của người dân sau một thời gian dài trầm lắng do dịch bệnh Covid -19 diễn biến bất thường trên toàn cầu.
Đại diện siêu thị VinMart cho biết, qua thực tế cho thấy, thói quen mua sắm của người dân sau dịch Covid-19 đã có sự thay đổi khá lớn. Nếu như trước đây, khách hàng thường mua những sản phẩm lớn để tiết kiệm và khỏi mất thời gian mua sắm nhiều lần thì nay, do thu nhập bị giảm sút nên người dân ưu tiên mua sản phẩm có trọng lượng nhỏ theo phương châm dùng hết đến đâu mua đến đó.
Bên cạnh đó, người dân chủ yếu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu, còn sản phẩm về thời trang, điện máy, mỹ phẩm khá hạn chế; chọn lựa nhiều hơn các sản phẩm bình dân, nội địa, ít chọn hàng cao cấp, nhập khẩu…
Theo Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ tháng 11/2020 trên địa bàn đạt 1.562 tỷ đồng, tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 1,68% so cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng tăng ở tất cả các nhóm hàng. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 17.306 tỷ đồng, tăng 11,02% so cùng kỳ năm trước.
Phân theo nhóm ngành hàng thì mặt hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 8.249 tỷ đồng, tăng 8,85%; hàng may mặc đạt 758,9 tỷ đồng, tăng 12,18%; đồ dùng, dụng cụ gia đình đạt 1.389 tỷ đồng, tăng 10,27%; vật phẩm văn hóa - giáo dục đạt 161,8 tỷ đồng, tăng 6,84%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) đạt 1.379 tỷ đồng, tăng 13,63%; xăng dầu các loại đạt 1.365 tỷ đồng, tăng 18,76%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) đạt 146,2 tỷ đồng, tăng 36,1%; đá quý, kim loại quý đạt 149,4 tỷ đồng, tăng 21,52%; hàng hóa khác đạt 576,6 tỷ đồng, tăng 13,81%... Dự ước cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 18.874,6 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước.
Thực hiện chủ trương kích cầu thị trường nội địa, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung - cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ tết. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp tết cho các địa bàn dân cư, nhất là khu vực nông thôn.
Để khuyến khích tiêu dùng, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo tập trung kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu để kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, đấu tranh ngăn chặn kịp thời để người dân yên tâm mua sắm.
Với những giải pháp thiết thực vừa kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước vừa tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Quang Thiều