“Giữ tài sản của mình phải tốt!”

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/12/2021 | 1:56:00 PM

YênBái - Bà Nồng Thị Nối ở thôn Nà Đường, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ nói như vậy về việc luôn phải chăm sóc, bảo vệ tốt đàn vật nuôi của gia đình mình. Hàng ngày, bà vẫn phụ giúp vợ chồng con trai, con dâu chăm sóc thật tốt cho 10 con trâu, bò của gia đình.

Gia đình bà Nồng Thị Nối luôn chủ động tốt nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.
Gia đình bà Nồng Thị Nối luôn chủ động tốt nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.


Nhà bà Nối nuôi nhốt đàn gia súc lâu nay vì ở đây không có đồng cỏ cũng như ngại dịch bệnh. Ở thời điểm nhiều nhất, nhà nuôi 15 con trâu, bò. Đã nhiều năm nay, đàn trâu, bò được nuôi bằng cám ngô nghiền nấu và bỗng rượu là ngô nhà trồng, rượu nhà nấu. Nuôi trâu, bò sinh sản, nhà bà Nối vừa bán giống vừa để tiếp tục gây đàn. 

Theo tính toán của bà thì nuôi trâu, bò sinh sản cho lãi cao hơn so với nuôi trâu, bò thịt. Như hiện nay, 1 con nghé nuôi khoảng 2 năm là được bán với giá 17 triệu đồng mà lại không phải lo đầu ra. Người dân trong thôn, trong xã, thậm chí thương lái quen cũng đã biết mối nên thường đến tận nhà tìm mua. Nhà bà cũng đang nuôi 1 con lợn nái, 3 con lợn thịt. Lợn giống 1 năm bình quân được 2 lứa, mỗi lứa 8 - 10 lợn con. 

Để chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, nhà bà Nối quan tâm thực hiện tốt theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cũng như rút kinh nghiệm từ thực tế của gia đình. Diện tích chuồng nuôi trâu, bò, lợn rộng tới 100 m2 và được bố trí thoáng cả 4 phía. Bà Nối đùa vui: "Mùa hè ở chỗ đó thoáng mát lắm, còn muốn ngủ ở chuồng luôn đấy!”. 

Về mùa đông, đảm bảo kín gió và đủ ấm cho đàn vật nuôi, gia đình quây che bạt xung quanh, làm đệm nền chuồng, những ngày nhiệt độ xuống thấp hơn nữa thì sẽ đốt lửa sưởi ấm. Vừa làm cho chuồng trại chăn nuôi đảm bảo các yếu tố chống rét hiệu quả thì một công việc khác cũng được gia đình bà Nối hết sức quan tâm là chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa đông. 

Việc này đối với gia đình bà có ý nghĩa thật sự quan trọng vì có số gia súc khá nhiều. Với 5.000 m2 ruộng được nhà bà gieo cấy hết diện tích cả 2 vụ trong năm đã tạo một lượng rơm khô dự trữ thức ăn mùa đông cho đàn trâu, bò.

Ngoài ra, nhà bà năm nào cũng trồng 3.000 m2  ngô trong vụ đông và 2.000 m2 cỏ voi. Để thật sự chủ động nguồn thức ăn dự trữ hơn nữa, riêng rơm khô thì nhà bà vẫn phải mua thêm của các hộ khác với giá 600.000 đồng/xe, tính tương đương trồng ở 1.000 m2 ruộng. Vụ đông này, bà vừa mua thêm 15 xe rơm khô. 

Trong mùa đông, trước từng đợt rét về, xã có thông báo cụ thể, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc là thôn cũng triển khai kịp thời tới bà con thông qua hệ thống loa truyền thanh, qua các buổi họp thôn, lồng ghép các buổi sinh hoạt đoàn thể. 

Đã thành nề nếp của gia đình bao nhiêu năm nay nhưng việc chăm sóc và bảo vệ đàn vật nuôi hiệu quả trong mỗi mùa đông vẫn luôn được hộ bà Nối quan tâm thực hiện thật tốt. Nhà nông thì phải "năng nhặt chặt bị”, có nguồn thu nào là phải giữ tốt nguồn thu ấy, có như thế mới mong có được sự ổn định và có thể chịu đựng được những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Như đợt này, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 rồi giá cám lợn tăng cao nên nuôi lợn hầu như chỉ lấy công làm lãi. Mỗi năm như trước đây lãi từ chăn nuôi mang lại cũng có vài chục triệu đồng thì bây giờ đã giảm đi nhiều do chi phí đầu vào tăng dù gia đình cũng đã tự chủ động được kha khá các nguồn đầu vào. 

Bà Nối nói: "Khó khăn là khó khăn chung nên mình phải cố gắng thôi. Đồng tiền lãi dù có ít đi thì cũng vẫn cứ phải chắt chiu. Mong sao dịch bệnh sớm qua để cho nhà nông chúng tôi có thêm nhiều đồng lãi hơn nữa sau mỗi năm chăm chỉ làm lụng, chăn nuôi”.

Nguyễn Thơm

Tags chăn nuôi khuyến nông gia súc dịch bệnh Covid-19

Các tin khác
Nhiều sản phẩm nông sản của Yên Bái đạt tiêu chuẩn 3 sao được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Sau 2 năm Hội Nông dân (HND) tỉnh triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông sản các địa phương, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị thị trường… Qua đó, thu hút nhiều công ty, hợp tác xã (HTX) tham gia, góp phần đưa những sản phẩm chất lượng cao của nông dân đến thị trường.

Thanh tra chuyên đề về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, doanh thu cao, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ rất dễ bị can thiệp để gian lận trong kinh doanh. Yên Bái hiện có 117 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu đang hoạt động, đa phần các cửa hàng đều được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, niêm yết giá công khai.

Để có vụ đông thắng lợi, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật và tuân thủ khung lịch thời vụ. Vụ đông trên đất lúa duy trì nhiều năm ở Nghĩa Lộ đã thành vụ sản xuất chính giúp đa dạng cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Năm 2021, trên 1ha đất lúa, nông dân thị xã Nghĩa Lộ có thu nhập 120 triệu đồng.

Máy bay hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 1/2021.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục