Trước năm 2015, các sản phẩm nói chung; trong đó, có quế của người dân xã Đào Thịnh làm ra chỉ biết bán cho các thương lái với giá bấp bênh, không ổn định. Nông dân mạnh ai nấy làm, dẫn đến các sản phẩm không đồng đều, hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2016, nông dân xã Đào Thịnh được tham gia Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tài trợ. Qua đây, các tổ nhóm sản xuất được hình thành. Thành viên của các nhóm liên kết đã được đào tạo về kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD), đàm phán, ký kết hợp đồng, thúc đẩy tìm kiếm liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Năm 2017, cùng với sự tham gia hỗ trợ từ Chương trình FFF và Tổ chức FAO, hội viên nông dân xã đã được đào tạo và sản xuất thử nghiệm 1,7 ha quế hữu cơ. Từ đó, nông dân đã thấy được lợi ích của sản xuất hữu cơ là đảm bảo sức khỏe con người và môi trường, đặc biệt là sức khỏe cho đất. Nhận thấy được liên kết thực hiện việc SXKD là con đường đi bền vững, 4 nhóm tổ hợp tác với 33 thành viên đã thực hiện bước đi mới đó là, tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết thành lập HTX.
Ông Phan Văn Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã, Kiểm sát viên HTX Quế hồi Việt Nam cho biết: "Thành viên các nhóm tổ hợp tác mong muốn thành lập HTX để có thể thực hiện việc tập trung được sản phẩm có số lượng lớn, đảm bảo được tính đồng nhất trong sản xuất, chế biến sản phẩm. Đồng thời, có tính pháp nhân có khả năng làm việc với các đối tác nước ngoài”.
Qua Chương trình FFF giới thiệu những địa chỉ doanh nghiệp, thành viên tổ hợp tác đã tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp. Tháng 4/2017, các thành viên cùng với Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu quế hồi Việt Nam (Vina Samex) đã bắt tay hợp tác thành lập nên HTX Quế Hồi Việt Nam với 21 thành viên và 1 pháp nhân là Công ty Vina Samex, số vốn ban đầu là 5 tỷ đồng.
HTX cũng đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện có mặt bằng sản xuất để xây dựng nhà máy chế biến theo đúng tiêu chuẩn với 2 khu vực tổng diện tích là 8.000 m2. Tuy mới thành lập, Nhà máy chưa được hoàn thiện nhưng HTX đã sớm đi vào tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, năm 2020 đã chế biến được gần 400 tấn quế tươi, tương đương 120 tấn quế khô, doanh thu ước đạt gần 10 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng và nâng cao hiệu quả sản xuất cho các thành viên.
Ông Hoàng Văn Hoan - thành viên HTX chia sẻ: "Trước đây, khi chưa là thành viên HTX, gia đình luôn phải bận tâm về việc tiêu thụ sản phẩm. Từ khi gia nhập HTX, được đảm bảo đầu ra ổn định, gia đình yên tâm tập trung vào chăm sóc cây quế theo đúng quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Từ đó, thu nhập của gia đình từ sản xuất quế cũng cao hơn và ổn định hơn”.
Để người nông dân đảm bảo quy định sản xuất, HTX kết hợp với Công ty Vina Samex tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn bà con thực hiện việc trồng và chăm sóc, thu hoạch quế theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đến nay, vùng nguyên liệu quế tại xã Đào Thịnh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Organic theo tiêu chuẩn EU và Nhật Bản với diện tích trên 665 ha. HTX còn liên kết với vùng nguyên liệu trên 2.000 ha của các xã lân cận như: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, Hòa Cuông với sản lượng ước đạt khoảng 1.500 tấn vỏ tươi.
Để nâng cao giá trị, quảng bá sản phẩm, HTX chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tham gia các hội thảo thương mại do cấp tỉnh, cấp trung ương tổ chức và các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế như hội chợ thương mại tại Pháp, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia… Đến nay, sản phẩm của HTX có mặt tại 7 nước trên thế giới; trong đó, có những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Pháp…
Trong chuyến thăm quan thực tế HTX Quế Hồi Việt Nam vừa qua của đoàn công tác của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, ông Resmi Nono Womdim - Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam cho biết: "Tôi đã được dùng thử trà quế tại đây và cảm thấy rất ngon. Nhiều sản phẩm khác của HTX cũng rất ấn tượng. Tôi thấy, quy trình sản xuất tại HTX tuy đơn giản nhưng rất chuyên nghiệp”.
Bà Đoàn Thu Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết: "Với những kết quả đạt được đến nay đã cho thấy, việc liên kết và sản xuất sản phẩm hữu cơ như HTX Quế Hồi Việt Nam là bước đi bền vững giúp nông dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong sản xuất nông lâm nghiệp tại địa phương. Với hình thức sản xuất như vậy, quế đã khẳng định vị thế cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp cùng HTX mở rộng vùng nguyên liệu quế hữu cơ từ 665 ha hiện nay lên 800 ha, tức 100% diện tích trồng quế toàn xã, kế hoạch năm là sẽ hoàn thành vào năm 2022”.
Ông Phan Văn Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã, kiểm sát viên HTX Quế Hồi Việt Nam cho biết: "HTX mong tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc giải quyết thủ tục vốn vay ưu đãi một cách kịp thời, nhanh chóng để mở rộng SXKD. Đồng thời, HTX tiếp tục quan tâm và cũng mong nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị, tổ chức liên quan để tập huấn củng cố, năng cao kiến thức kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho người dân”.
Thu Hạnh