Kiên Thành hiện có trên 8.140 ha đất lâm nghiệp, chiếm trên 94% tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã. Trong đó, cùng với quản lý, bảo vệ tốt trên 2.800 ha rừng tự nhiên thì nhân dân đã tận dụng tốt các diện tích còn lại để trồng cây kinh tế.
Trong đó, với cây tre măng Bát độ, sau 18 năm phát triển, đến nay, Kiên Thành đã trồng được trên 1.866 ha với hơn 1.600 ha đã cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 20.100 tấn măng thương phẩm và khai thác củ giống để trồng, bán đã mang lại tổng thu nhập từ cây tre măng Bát độ trên 74 tỷ đồng/năm. Điển hình như thôn Đồng Ruộng hiện có 72 ha tre măng Bát độ và 46 ha quế, mỗi năm cho thu nhập gần 7 tỷ đồng và riêng thu từ tre măng Bát độ đạt trên 6 tỷ đồng.
Thôn hiện có 50 hộ thì có trên chục hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ măng Bát độ và trên hai chục hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ. Hết năm 2021, thôn chỉ còn 6 hộ nghèo. Riêng gia đình Trưởng thôn Giàng A Sáu, nhờ sớm phát triển cây tre măng Bát độ đã mua sắm được ô tải để chở hàng và xe con làm phương tiện đi lại, xây được nhà khang trang.
Ông Sáu chia sẻ: "Vì làm trưởng thôn, nên khi có giống cây trồng mới, tôi luôn chủ động đăng ký trồng trước xem khả năng phát triển kinh tế như thế nào để tạo niềm tin cho bà con yên tâm thực hiện. Không ngờ, với chất đất ở thôn Đồng Ruộng chủ yếu là đất đỏ, trồng quế, bồ đề sinh trưởng chậm, hay sâu bệnh nhưng lại rất thích nghi với cây tre măng Bát độ nên sản phẩm măng ở thôn được công ty thu mua đánh giá cao về chất lượng cũng như năng suất, sản lượng, giúp bà con có điều kiện nâng cao mức sống”.
Khác với tre măng Bát độ, cây quế vốn được nhân dân xã Kiên Thành phát triển thành cây trồng chủ lực của địa phương nhiều năm nay, nên cây quế có mặt ở khắp các thôn, các hộ gia đình. Một số thôn có diện tích quế nhiều như: Đồng Song, Kiên Lao, Khe Rộng, Đồng Phay và mỗi thôn có trên 200 ha, riêng thôn Đồng Cát có trên 600 ha.
Theo đó, với tổng diện tích quế toàn xã trên 2.000 ha, mỗi năm cho thu hoạch trên 3.000 tấn vỏ quế tươi và trên 6.000 tấn cành lá cùng khối lượng lớn gỗ quế đã mang lại thu nhập trên 100 tỷ đồng cho nhân dân. Từ trồng quế, xã Kiên Thành đã có hàng trăm hộ vươn lên khá, giàu, xây được nhà đẹp, mua sắm được tiện nghi hiện đại để nâng cao chất lượng cuộc sống. Điển hình như hộ ông Triệu Quý Thanh, Dương Trung Lịch cùng ở thôn Đồng Song...
Bên cạnh đó, nhân dân xã Kiên Thành còn quản lý, bảo vệ tốt trên 1.600 ha rừng tự nhiên phòng hộ, trên 1.200 rừng tự nhiên sản xuất và trồng, chăm sóc gần 200 ha rừng trồng kinh tế là các loại cây gỗ nguyên liệu như: bồ đề, mỡ, keo... không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường.
Ông Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành phấn khởi cho biết: "Nhờ phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, đã giúp nhân dân xã Kiên Thành nâng cao thu nhập vươn lên xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững; có điều kiện đóng góp công sức, tiền của cùng với sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiện nay, ngoài bộ mặt nông thôn được thay đổi rõ nét thì đời sống nhân dân cũng có nhiều chuyển biến đáng khích lệ. Hết năm 2021, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt trên 43 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 6,9%... Đây là tiền đề để xã phấn đấu vươn lên xã nông thôn mới nâng cao trong những năm tới”.
Châu Á