Chị Hoàng Linh ở thôn 3, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình là người có 10 năm kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi lợn. Thường chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng bước sang năm 2021, gia đình chị đã quyết định đầu tư chuồng trại, con giống với quy mô trên 100 con lợn thương phẩm/lứa.
Chị Linh cho biết: "Năm nay, gia đình được nhận hỗ trợ 40 triệu đồng từ Nghị quyết 69, kết hợp với nguồn vốn sẵn có nên đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện, hơn 100 con lợn thương phẩm của gia đình đang trong chu kỳ phát triển tốt”.
Chị Nguyễn Thị Thư ở thôn Đồng Đầm, xã Vĩnh Kiên cũng rất phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ 40 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn với quy mô 100 con lợn trở lên.
"Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân thì việc được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh là một "cú huých”, động lực quan trọng để giúp những hộ chăn nuôi như chúng tôi có thêm động lực để phát triển kinh tế” - chị Thư chia sẻ.
Nghị quyết 69 không chỉ tạo động lực cho người chăn nuôi ở vùng thấp mà ở vùng cao, đồng bào cũng rất phấn khởi khi chính sách đi vào cuộc sống.
Ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải khẳng định: "Tuy là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 69, nhưng trên địa bàn huyện có 151 hộ gia đình đăng ký hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ. Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển bền vững và chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, đã khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của huyện như: sơn tra, chè, gà đen, lợn đen, trâu bò thịt, dê cỏ… phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương”.
Thực hiện Nghị quyết số 69, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí (điều chỉnh lần 2) hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 là 46.951 triệu đồng cho 9 huyện, thị xã, thành phố.
Trong đó, phân bố cho các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị 14.370 triệu đồng; nhóm chính sách hỗ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ 25.520 triệu đồng; chính sách hỗ trợ phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững 2.850 triệu đồng; chính sách hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo 1.570 triệu đồng; dự phòng để hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 2.641 triệu đồng.
Khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết, một số địa phương gặp còn lúng túng trong triển khai thực hiện; việc giải ngân còn chậm tiến độ… Tuy nhiên, với sự quan tâm triển khai quyết liệt các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền đã góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống và được nhân dân đồng thuận, ủng hộ, tích cực thực hiện.
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: "Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chính sách nhưng đã có 13/16 chính sách của Nghị quyết được thực hiện, bước đầu xây dựng 23 chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi hàng hóa, đặc sản hữu cơ theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững được mở rộng; xây dựng 3 mô hình sản xuất mới; chất lượng đàn trâu, bò được nâng cao".
Cũng theo đồng chí Vũ Quỳnh Khánh, việc thực hiện chính sách đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, chất lượng, gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới, năng lực và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác được nâng cao, nhất là trong chủ trì, tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Sức lan tỏa của Nghị quyết 69 đã trở thành động lực giúp hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giá trị cạnh tranh trên thị trường, mang lại thu nhập cao. Nhờ vậy, tổng số đàn gia súc chính của tỉnh đang phục hồi, đúng với kịch bản tăng trưởng ngành chăn nuôi của tỉnh.
Tính đến 3/12 tổng đàn gia súc chính của tỉnh đạt 744.890, tăng 19,35% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 66.049 tấn, tăng 12,45% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 50.715 tấn, đạt 106,5% kế hoạch. Sản lượng thủy sản đạt 12.247 tấn, tăng 33,07% so với cùng kỳ; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.610 ha, tăng 7,61%. Kết quả trên là tiền đề, dấu ấn quan trọng để chính sách của Nghị quyết 69 tiếp tục phát huy hiệu quả, trở thành động lực để thu hút đầu tư vào ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Văn Tuấn