Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013, nhất là về việc công khai, lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Sau khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp. Việc tổ chức lấy ý kiến được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi”.
UBND tỉnh đã ban hành quy định cụ thể về chính sách thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất theo phân cấp của Luật Đất đai năm 2013, phù hợp với tình hình thực tế. Được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và phương án bồi thường; đồng thời, việc hỗ trợ và tái định cư được người dân đồng thuận nên việc thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thuận lợi. Do đó, việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người dân giảm đáng kể.
Đồng thời, việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện; các ngành, các địa phương chủ động, tích cực vào cuộc giải quyết nên các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân đã được giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng quy định.
Với sự tập trung, thống nhất cao về chủ trương và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả nên trong thời gian qua, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, đều cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 2014 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện thu hồi 578 công trình, dự án với diện tích thu hồi 2.773,9 ha. Kinh phí bồi thường bằng tiền là trên 520,4 tỷ đồng. Kinh phí bồi thường tài sản gắn liền với đất là trên 612,4 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ đất thu hồi bằng tiền là gần 913,9 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ, bồi thường, tái định cư là trên 19.800 người.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Trong đó, đặc biệt là việc giải quyết chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân có đất bị thu hồi phát sinh vướng mắc như về chính sách hỗ trợ cho người dân để xác định, lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp, việc tổ chức đào tạo, cho học nghề đối với người dân bị thu hồi đất là rất khó.
Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề; nhiều hộ gia đình còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi, trong khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn còn rất hạn chế trong việc tiếp nhận, tuyển dụng số lao động của địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, số người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất phần lớn là lao động phổ thông, trình độ kỹ thuật thấp nên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu lao động trong môi trường công nghiệp hoặc lao động kỹ thuật cao.
Vẫn xảy ra tình trạng người dân thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc cố ý xây dựng công trình nhà cửa trên đất đã quy hoạch, đã thông báo thu hồi nhưng không bị ngăn chặn, xử lý; chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất sau khi có thông báo thu hồi đất nhưng vẫn có chứng nhận của phòng công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp xã.
Vấn đề này dẫn đến khó khăn cho các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gây phức tạp tình hình trên địa bàn và làm chậm tiến độ thực hiện dự án... Những vướng mắc đó cần tiếp tục được quan tâm giải quyết để mang lại hiệu quả hơn nữa cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Thu Hạnh