Một hành trình như thế!

  • Cập nhật: Chủ nhật, 6/2/2022 | 7:01:21 AM

YênBái - Với một người “ngoại đạo” như tôi thì thời điểm đầu những năm 2000, huyện Trấn Yên quyết tâm trồng tre măng Bát độ với diện tích lớn là một quyết định rất phiêu lưu. Nói như vậy, là bởi đã có nhiều cây tre măng trồng được đưa vào huyện, từ khảo nghiệm đến đại trà đều chung số phận… Thất bại, ngay cả cây Bát độ, niên vụ 2003 diện tích trồng mới đạt tỷ lệ sống dưới 60%, nhiều diện tích chỉ đạt tỷ lệ sống dưới 50%.

Người Mông Kiên Thành thu hoạch măng tre Bát độ.
Người Mông Kiên Thành thu hoạch măng tre Bát độ.

Đưa tre măng về Y Can, Tân Đồng, Kiên Thành…, nơi mà trình độ dân trí chưa cao, chưa hăng hái ứng dụng khoa học kỹ thuật, trình độ thâm canh thấp, sản xuất chưa gắn với thị trường. Nhiều tỉnh như Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai đã từng triển khai chương trình trồng tre măng Bát độ. Các tỉnh bạn còn làm rất quy mô và bài bản nhưng vẫn thất bại. Đặc biệt, những khóm măng đầu tiên đưa về trồng ở Trấn Yên sinh trưởng và phát triển tốt, măng ra tua tủa, mọi người cho, tặng nhau ăn thử đều tấm tắc khen mềm, ngon, ngọt, không he, không đắng… 

Nhưng câu hỏi đặt ra là: Có ít thì cho nhau không sao, khi sản lượng cả nghìn, cả vạn tấn thì ăn sao hết, bán thế nào, chế biến ra sao? Hoàn toàn chưa có câu trả lời.

Trước thắc mắc đó, anh Trần Đức Lâm - nguyên Chủ tịch huyện Trấn Yên phân tích cho tôi những cái hay của tre măng Bát độ, đó là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp khả năng và trình độ canh tác của đồng bào Kinh, Tày, Dao, Mông ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện. Vì, cây tre măng dễ tính, dễ làm, đầu tư ít, làm một lần, thu nhiều năm, thời gian thu hoạch dài, không sâu bệnh. Đồng bào có rừng măng Bát độ sẽ thay đổi tư duy làm ăn, từ việc lên rừng chặt gỗ, săn thú, đào măng vầu, bóc măng nứa..., chuyển sang chăm sóc thu hoạch tre măng Bát độ, tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa… 

Mọi nhận định của lãnh đạo huyện Trấn Yên là rất đúng nhưng nói cho dân hiểu, vận động thế nào để dân nghe và làm theo là câu chuyện hoàn toàn khác. Phải có quyết tâm chính trị rất cao, phải đưa chương trình trồng măng Bát độ vào kế hoạch, nghị quyết và phải có những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trong khối nông, lâm nghiệp sẵn sàng lăn lộn ở cơ sở thì việc mới thành. 

Nói như vậy là bởi ở thời điểm ấy, ngay cả cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Có những lãnh đạo xã nói thẳng với Bí thư Huyện ủy rằng "Các anh đang làm khổ chúng tôi!”. Riêng chuyện cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ khuyến nông đang được bà con quý mến là thế, đến khi đi vận động, hướng dẫn bà con trồng tre măng thì bị lảng tránh, trách móc, thậm chí là... Kỹ sư Triệu Thị Bích Liệu - nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Trấn Yên nhớ lại: "Cực nhọc, vất vả lắm chứ không dễ đâu, bị mắng, bị xua đuổi, anh em nuốt nước mắt vào trong mà làm”. 

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cả sự nhẫn nhịn vì mục tiêu chung như thế, vùng tre măng Bát độ ở Trấn Yên mới dần hình thành và phát triển. Cứ thứ Bảy, Chủ nhật là hàng trăm cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang hành quân về xã giúp dân đào hố, bỏ phân trồng, chăm sóc tre măng Bát độ. Giữa buổi, ăn với dân rổ sắn luộc, bát ngô bung. Cuối buổi, chơi với nhau trận bóng đá, bóng chuyền thật vui và ý nghĩa, nó đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong tâm chí nhiều thế hệ cán bộ các cơ quan, ban, ngành huyện Trấn Yên. 

Nhắc lại những câu chuyện này để thấy, phải rất quyết tâm, phải rất kiên trì thì đồng bào Kiên Thành, Hồng Ca, Y Can, Quy Mông, Tân Đồng mới có những rừng tre măng Bát độ như ngày hôm nay.

Có thời gian gắn bó với Trấn Yên khi huyện triển khai và đẩy mạnh trồng tre măng Bát độ, nguyên Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Lê Văn Tạo cho biết: "Rất nhiều người có công với loại cây làm giàu của đồng bào trong huyện như chị Liệu (Khuyến nông), anh Toản (Hạt Kiểm lâm), anh Trọng (Phòng Nông nghiệp huyện) cùng các cán bộ, kỹ sư, khuyến nông viên ở cơ sở. Nhưng tôi muốn nhắc đến chị Nguyễn Thị Huấn - nguyên Chủ tịch UBND huyện. 

Không chỉ là người lãnh đạo gắn bó với nông dân. Chị ấy dành nhiều thời gian xuống cơ sở chỉ đạo phát triển vùng tre măng; lăn lộn ngược xuôi khắp nơi để tìm đầu ra cho ngọn măng. Thời điểm năm 2005, nhiều diện tích măng Bát độ ở Trấn Yên đã qua giai đoạn kiến thiết cơ bản và cho thu hoạch với sản lượng lớn thì đầu ra vẫn chỉ là… cho, biếu, tặng và bán lẻ như những nông sản khác ở các khu chợ thì rất không ổn, nguy cơ tan vùng măng đã hiện rõ. 

Sức ép từ người nông dân đối với các cấp chính quyền mỗi ngày một tăng thêm, trước tình thế ấy, chị Nguyễn Thị Huấn đã ngược xuôi Hải Phòng, Hà Nội, liên hệ với các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp, với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm để tìm lối ra bền vững cho cây tre măng. 

Rồi như chúng ta đã biết, Công ty Vạn Đạt - một nhà đầu tư Đài Loan đã "kết duyên” với cây tre măng Bát độ Trấn Yên để rồi mối liên kết Nhà nông - Nhà nước và Nhà doanh nghiệp hình thành. Vạn Đạt đã bắt tay ngay vào việc mua toàn bộ sản phẩm măng Bát độ do nông dân làm ra, tổ chức sơ chế ngay tại địa phương. Đặc biệt, doanh nghiệp này còn mạnh dạn đầu tư giống, phân bón, cùng với huyện hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch tre măng Bát độ.

Chuyện về cây tre măng Bát độ ở Trấn Yên còn nhiều và dài lắm. Hàng trăm hộ trong huyện đã trở thành tỷ phú, hàng nghìn nhà khá giả, giúp hàng vạn người có công việc và thu nhập ổn định… Tất cả đều nhờ cây tre măng Bát độ mà ra. Chỉ tính riêng xã Kiên Thành, năm 2021, đồng bào Mông, Dao, Tày  đã  thu về  trên 70 tỷ đồng tiền bán măng. Một liên doanh với Nhật Bản đang triển khai xây dựng Nhà máy Chế biến măng tre Bát độ xuất khẩu quy mô lớn ngay vùng nguyên liệu Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh. 

No ấm, giàu có bằng nghề trồng rừng và chế biến nông - lâm sản. "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” chính là đây, không xa lạ, không viển vông mà rất thực tiễn.

Lê Phiên

Tags Trấn Yên tre măng Bát độ trình độ dân trí Kinh Tày Dao Mông cán bộ đảng viên đoàn viên thanh niên lực lượng vũ trang Phát triển xanh hài hòa bản sắc và hạnh phúc

Các tin khác

Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 7/2 (mùng 7 tết) trên địa bàn toàn tỉnh. Ngay trong Lễ phát động, Yên Bái phấn đấu trồng gần 23 nghìn cây các loại, phấn đấu trong tháng đầu tiên phát động sẽ trồng được hơn 1000 ha.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng cán bộ kiểm lâm huyện Yên Bình khảo sát đánh giá năng suất rừng trồng tại huyện Yên Bình.                               
Ảnh: T.L

Từ chỗ trồng rừng giảm nghèo, đến nay Yên Bái đã tạo được bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế lâm nghiệp với hàng nghìn héc-ta rừng đã được sản xuất theo tiêu chuẩn rừng quốc tế (FSC). Trồng rừng FSC mang lại lợi ích “kép” về cả giá trị kinh tế lẫn môi trường và đây cũng là “giấy thông hành” đưa sản phẩm gỗ rừng trồng vào thị trường thế giới.

Dọc khắp các cánh đồng ở Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình hay Mù Cang Chải, Trạm Tấu, nơi nào người nông dân cũng tranh thủ xuống đồng ngay sau tết gieo cấy lúa xuân, đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất. Một không khí lao động sôi nổi, khẩn trương trên khắp mọi miền quê, hứa hẹn sẽ có một vụ lúa bội thu...

Ra quân hưởng ứng Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp văn hóa trong các cơ quan, đơn vị địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Cách đây hơn 60 năm trong phong trào cả nước thi đua lập thành tích kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930- 3/2/1960), Bác Hồ đã có ý tưởng phát động phong trào trồng cây gây rừng. Ngày 28/11/1959, dưới bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân số 2082.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục