Hơn 60 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, phong trào trồng cây, trồng rừng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tích cực tham gia hưởng ứng. Từ phong trào "Tết trồng cây”, hàng năm, các địa phương trong tỉnh đã trồng mới được trên 12.000 ha rừng tập trung và hàng nghìn cây phân tán.
Năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, nhưng với sự nỗ lực của nông dân, các thành phần kinh tế, toàn tỉnh trồng mới 16.730 ha, đạt 104,6% kế hoạch giao, duy trì độ che phủ của rừng 63%, đứng thứ 4 toàn quốc.
Bên cạnh những giá trị to lớn về môi trường, kinh tế lâm nghiệp bước đầu phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, xác định được một số loại cây trồng để phát triển hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung có hiệu quả kinh tế cao bao gồm: vùng quế, vùng tre măng Bát độ, vùng cây sơn tra.
Nhờ phát triển trồng rừng, đến nay toàn tỉnh đã có gần 200.000 ha rừng trồng sản xuất với sản lượng gỗ khai thác mỗi năm đạt trên nửa triệu mét khối, đưa Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm phát triển rừng trồng sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản của vùng và cả nước. Diện tích rừng kinh tế không ngừng tăng lên và trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc trồng rừng, đến nay, Yên Bái đã hoàn thành việc cấp chứng chỉ rừng FSC, VFCS/PEPC cho trên 11.543 ha rừng trồng, góp phần gia tăng giá trị thu nhập của người trồng rừng.
Anh Nguyễn Hùng Anh ở thôn Đồng Tâm, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình cho biết: "Nhà tôi có 4 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Trước đây, trồng rừng theo cách truyền thống mỗi ha từ 6 - 7 năm tuổi, khi khai thác cũng chỉ bán được 60 - 80 triệu đồng. Trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC, mỗi ha bán với giá từ 150 - 200 triệu đồng. Nhờ trồng rừng, gia đình tôi và nhiều người dân trong thôn, trong xã có cuộc sống khá giả hơn”.
Phát huy kết quả đạt được năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới trên 15.500 ha rừng, duy trì độ che phủ rừng đạt 63%. Để hoàn thành mục tiêu này và tạo sự lan tỏa phong trào trồng cây, trồng rừng, tỉnh tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” gắn với triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm.
Theo kế hoạch, Tết trồng cây năm 2022 bắt đầu từ ngày mùng 7/2/2022 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Các địa phương thực hiện Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, đảm bảo các quy định về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Ngay ngày đầu ra quân, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh sẽ trồng khoảng 22.902 cây phân tán. Chúng tôi về huyện Yên Bình - "lá cờ đầu” trong phong trào trồng cây, trồng rừng mùa xuân, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Để hoàn thành mục tiêu trồng mới 3.500 ha rừng, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng địa phương; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của nhân dân. Năm nay, huyện phát động Tết trồng cây tại hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Tâm ở tổ 5 thị trấn Yên Bình. Cùng đó, các địa phương đều phát động Tết trồng cây đầu xuân. Huyện phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng cả năm ngay trong vụ xuân”.
Tại huyện Văn Yên, với mục tiêu trồng mới trên 3.000 ha rừng và hơn 1.200 ha rừng trong tháng đầu ra quân, ông Vũ Minh Phúc - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Năm nay, huyện phát động Tết trồng cây tại thôn Sặt Ngọt, xã Đông Cuông; sau Lễ phát động, các đại biểu sẽ trồng từ 1-3 ha quế; huyện phấn đấu hoàn thành 88% kế hoạch trồng rừng ngay trong vụ xuân này. Cùng với đó, các địa phương trong huyện tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái phép”.
Quan điểm, định hướng chiến lược của tỉnh Yên Bái xác định phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu cả về kinh tế, xã hội, môi trường; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp lên 37% vào năm 2025; đến năm 2025 có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn; khoảng 100.000 ha rừng trồng trở lên được cấp chứng chỉ FSC.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh quy hoạch lại lĩnh vực lâm nghiệp, tập trung phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn bằng các loại cây gỗ lớn, lâm đặc sản, cây ăn quả, quế... gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu dưới tán rừng.
Đồng thời, ban hành chính sách đặc thù đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, giao đất, giao rừng, nâng gấp đôi giá dịch vụ bảo vệ rừng đi cùng với nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, đời sống người dân ổn định và khá lên từ rừng; quản lý chặt chẽ, bảo vệ, khoanh nuôi và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường, thúc đẩy hệ sinh thái đặc trưng, bền vững.
Cùng đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất giống phục vụ mục tiêu trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với nhóm cây chủ lực của tỉnh; thu hút doanh nghiệp có thế mạnh đầu tư lâm nghiệp bền vững; liên kết doanh nghiệp với các hộ dân và hợp tác xã sản xuất, chế biến lâm sản theo chuỗi giá trị, nhất là sản phẩm từ gỗ rừng trồng, quế, măng tre Bát độ, sơn tra... Hình thành các khu, cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chế biến lâm sản, thu hút đầu tư chế biến công nghệ cao, phát triển sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Văn Thông