Thành lập từ tháng 3/2017, đến nay CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Cầu Yên đã thu hút được gần 60 thành viên là cán bộ hưu trí các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư, trong đó gần 80% hội viên là NCT. CLB đã xây dựng đội văn nghệ với hơn 20 thành viên và đội thể dục dưỡng sinh với 28 thành viên.
Với cách tiếp cận liên thế hệ, dựa vào cộng đồng và tự giúp nhau, CLB luôn hướng tới mục tiêu tạo cơ hội cho người nghèo, cận nghèo và người thiệt thòi, nhất là NCT nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thông qua những hoạt động như hỗ trợ hội viên tăng thu nhập; động viên tinh thần lúc hội viên ốm đau, hoạn nạn; giúp đỡ nhau sửa sang nhà cửa; hỗ trợ nhau cây con giống, trồng rừng, thu hoạch nông sản... CLB đã tạo ra môi trường sinh hoạt bổ ích, thu hút các thành viên tham gia nhiệt tình, lan tỏa những việc làm tốt đẹp.
Để CLB hoạt động hiệu quả, Ban Chủ nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động và chọn thành viên ở các nhóm, tổ phù hợp theo năng lực và địa bàn sinh hoạt. Mỗi quý, CLB sinh hoạt một lần với các nội dung như: truyền thông về quyền và lợi ích, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCT; chia sẻ kinh nghiệm tăng gia, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế tăng thu nhập; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh phù hợp với NCT. Các buổi sinh hoạt, CLB đều mời đại diện lãnh đạo cấp ủy Đảng và đoàn thể tham dự để phổ biến, giải thích những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của NCT.
Ông Lương Mạnh Giang - Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Cầu Yên cho biết: Để hoạt động hiệu quả, CLB đưa ra quy chế hoạt động cụ thể, trong đó đề ra 8 nội dung, lĩnh vực hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc sức khoẻ, phát triển kinh tế, văn hoá văn nghệ, thăm hỏi ốm đau, bệnh tật… Đồng thời, thống nhất đóng góp 100 nghìn đồng/người/năm để làm quỹ hoạt động CLB và cho thành viên vay vốn phát triển kinh tế.
Năm 2021, CLB đã tổ chức 4 buổi vệ sinh đoạn đường CLB tự quản; hội viên giúp nhau trồng rừng, ngô, sắn và giúp nhau mùa cấy, gặt được gần 200 công lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên hội viên ốm đau, bệnh tật… Đã có nhiều hội viên trong CLB xây dựng được các mô hình kinh tế mới và giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Thắm, thông qua nguồn vốn hỗ trợ, gia đình bà đã đầu tư mua giống lợn sinh sản, lợn nuôi thịt cho thu nhập 80 triệu đồng/năm; gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn, vay vốn đầu tư trồng mới thêm hơn 2.000 cây quế. Nhiều hội viên phát triển từ chăn nuôi, trồng rừng tổng hợp hay mở dịch vụ nông nghiệp hiệu quả cao như các chị: Đỗ Thị Ngọc, Trần Thị Hải, Nguyễn Thị Hưng, Cao Thị Sang, anh Lê Sỹ Thưởng… Nhờ vậy, cuộc sống các thành viên CLB dần khấm khá.
Với những việc làm cụ thể, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Cầu Yên đã mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng và đặc biệt là NCT có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Năm 2022, ngoài việc duy trì tốt các hoạt động, CLB đã xây dựng kế hoạch, nội dung thực hiện là không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; không bạo lực gia đình; không vi phạm chính sách dân số; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch đường, sạch môi trường…
Ông Lương Xuân Tứ - Trưởng Ban đại diện Hội NCT huyện Yên Bình cho biết: CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở thôn Cầu Yên là CLB đầu tiên trên địa bàn huyện được chọn làm thí điểm nhằm thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được thêm 5 CLB tại các xã: Phú Thịnh, Xuân Long, Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Xuân Lai.
Thông qua hoạt động, các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã từng bước khẳng định là mô hình hiệu quả nhằm thích ứng với tình trạng già hóa dân số ngay tại cộng đồng và phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội tại các địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này với tinh thần NCT đi trước làm điểm tựa cho thế hệ đi sau, người giàu giúp đỡ người nghèo, tương trợ lẫn nhau, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho NCT...
Vũ Đồng