Tổng cục Hải quan: Công ty Việt Á nhập khẩu 3 triệu que thử test nhanh SARS-CoV-2 trong 4 tháng
Các quy định hải quan hậu Brexit đối với hàng hóa từ EU sang Anh chính thức có hiệu lực
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1,47 tỷ USD, cao gấp 2 lần, chiếm 48% tổng trị giá xuất nhập khẩu, còn nhập khẩu hàng hóa đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 52% tổng trị giá xuất nhập khẩu, tăng 68%.
Các cục hải quan tỉnh, thành phố đã đảm bảo làm thủ tục thông quan hàng hóa cho 2.462 doanh nghiệp Việt Nam, cao 2,56 lần so với dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Cụ thể, có 2.462 doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký 20,46 nghìn tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa (cao gần 2 lần so với dịp Tết năm 2021) tại 142 chi cục hải quan và tương đương (tăng 16 chi cục) thuộc 34 cục hải quan tỉnh, thành phố.
Dịp Tết vừa qua, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 109 nước, vùng lãnh thổ (trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021 hàng hóa Việt Nam chỉ có mặt ở 80 nước, vùng lãnh thổ). Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với trị giá 400 triệu USD, chiếm 27,3% tổng trị giá xuất khẩu; Hoa Kỳ với 347,6 triệu USD (chiếm 23,7%); Hàn Quốc với 86 triệu USD (chiếm 5,9%); Hồng Kông với 59 triệu USD (chiếm 4%); Nhật Bản với 41,8 triệu USD (chiếm 2,8%)...
Tuy nhiên theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sơ bộ đạt 61,85 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng thời gian năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 31,26 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng thời gian năm 2021 và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 30,59 tỷ USD, giảm 8,2%. Nguyên nhân do cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 là Tết Âm lịch Tân Sửu 2021 không rơi vào thời gian này cùng kỳ năm 2021.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022, Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại hàng hóa trị giá 0,68 tỷ USD. Trong đó, điện thoại, linh kiện điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện được xuất nhập khẩu lớn nhất. Trong dịp Tết, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trị giá 631,3 triệu USD, chiếm 43%; tiếp theo là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 398,6 triệu USD, chiếm 27,1%, mặt hàng máy móc, thiết bị đạt 87,7 triệu USD, chiếm gần 6%…Như vậy, tổng trị giá xuất khẩu của 3 nhóm mặt hàng lớn nhất này chiếm 76,1% tổng trị giá xuất khẩu.
Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá 799,4 triệu USD, chiếm 1/2 tổng trị giá nhập khẩu. Tiếp theo nhóm mặt hàng điện thoại, linh kiện điện thoại trị giá 242,9 triệu USD, chiếm 15,4%, nhóm mặt hàng máy móc thiết bị các loại trị giá 111,4 triệu USD, chiếm 7,1%…Ba nhóm mặt hàng lớn nhất này đã chiếm 72,5% tổng trị giá nhập khẩu trong dịp Tết Âm lịch năm nay.
Đơn giản hoá thủ tục hải quan, gỡ khó cho doanh nghiệp
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa có Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022.
Theo đó, thứ nhất: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) ngành Hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa cao đáp ứng yêu cầu thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ)
Thứ hai, tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan từ Hệ thống Một cửa quốc gia và hệ thống quản lý chuyên môn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các bộ, ngành với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành Hải quan.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa ASEAN; tự động kết nối, trao đổi dữ liệu giữa Hệ thống Cơ chế một cửa ASEAN với hệ thống CNTT của ngành Hải quan.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Thứ năm, nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng hệ thống máy soi, camera, seal điện tử và các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan.
Thứ sáu, vận hành có hiệu quả Hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia; tổ chức triển khai công tác cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thứ bảy, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức điện tử.
Thứ tám, thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ nội dung của các thủ tục hành chính tại nơi làm thủ tục hải quan theo quy định.
(Theo Tin tức)