Yên Bái bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong giá rét

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/2/2022 | 7:40:11 AM

YênBái - Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, những ngày qua, nền nhiệt trên địa bàn tỉnh xuống thấp, trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C, vùng núi cao dưới 7 độ C. Đặc biệt, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải đã xuất hiện băng giá gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại huyện Trạm Tấu.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại huyện Trạm Tấu.

Chống rét cho lúa xuân

Vụ xuân 2022, toàn tỉnh Yên Bái dự kiến đưa vào gieo cấy trên 19.995 ha. Hiện tại các địa phương vùng thấp đã kết thúc gieo cấy lúa xuân, riêng trà xuân sớm đã bắt đầu bén rễ hồi xanh. Nông dân đang tích cực thăm đồng, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại. Nhằm chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại xảy ra trong những ngày qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương phương án bảo vệ cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa xuân vừa gieo cấy. 

Cụ thể, chăm sóc kịp thời kết hợp bón phân kali, phân lân, kết hợp duy trì mực nước trên ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng thuận lợi, đẻ nhánh sớm, không để ruộng lúa bị hạn. Đối với các địa phương vùng núi cao như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, hiện mới cấy được 30 - 40%. 

Những ngày xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 15 độ C, khuyến cáo nhân dân tuyệt đối không cấy. Đối với mạ đã gieo, phải che phủ kín bằng ni-lon trắng cho 100% diện tích; bón bổ sung tro bếp trên mặt luống để giữ ấm cho mạ. Với phần dược mạ non, phải đảm bảo giữ đủ ẩm cho mạ, giữ nước xăm xắp mặt ruộng, khi dược mạ đã lên xanh tốt cần giữ nước ngập 1/3 - 1/2 cây mạ. 

Khi nhiệt độ tăng lên trên 15 độ C, cần kiểm tra lại các diện tích đã gieo cấy, nếu ảnh hưởng phải có phương án cấy dặm hoặc gieo lại, kết hợp chăm sóc kịp thời, bón phân kali, phân lân và duy trì mực nước trên ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng thuận lợi, đẻ nhánh sớm, không để ruộng lúa bị hạn. 

Với diện tích mạ đã gieo, khi nhiệt độ lên trên 15 độ C, có thể mở 2 đầu luống cho thoáng nhưng không được mở hoàn toàn, tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng... 

Ông Nguyễn Văn Hòe - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: Phòng đã phân công đội ngũ cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra lại việc che phủ ni-lon, đảm bảo phủ kín theo đúng kỹ thuật, tránh đọng nước; chuẩn bị tro rơm, rạ hoai mục bón bổ sung và giữ ẩm chân mạ, chỉ đạo 100% diện tích mạ có che phủ ni-lon. Hiện tại, do thời tiết rét đậm, phòng đã chỉ đạo người dân dừng cấy. Tính đến ngày 15/2, toàn huyện đã cấy được 327 ha, đạt 21% kế hoạch. 

Chú trọng chăm sóc gia súc

Mấy ngày qua, nhiệt độ xuống thấp, ông Thào A Dê ở bản Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phải thường xuyên kiểm tra và bổ sung thức ăn cho đàn trâu gần 10 con của gia đình. Ông Dê cho biết: Mùa đông năm nay, thu hoạch lúa mùa xong là gia đình giữ hết số rơm tích trữ cho đàn trâu. Chuồng mình cũng đã dùng bạt che kín và thường xuyên thay nước ấm cho trâu uống... 

Không chỉ ở Nậm Khắt, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều đã nâng cao ý thức phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc của gia đình. Gia đình anh Lý A Thằng ở bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn có 4 con trâu đang thả tại đỉnh Trống Páo Sang. Nghe thông tin xuất hiện băng tuyết, anh đã lùa gia súc về nhà chăm sóc để tránh bị thiệt hại. 

Anh Thằng cho biết: Được cán bộ tuyên truyền và để bảo vệ tài sản của gia đình, mình thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, khi thông báo nhiệt độ xuống dưới 12 độ C là mình đi tìm và lùa đàn trâu về nhà, không chăn thả trên nương, trên rừng nữa. 

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: Huyện đã có công văn chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống rét cho đàn gia súc. Đến nay, khắp các thôn bản của huyện, hầu hết các hộ chăn nuôi đã làm chuồng trại kiên cố, lót chuồng giữ ấm cho trâu, bò và tích trữ sẵn các loại thức ăn thô, thức ăn tinh bảo đảm nguồn thức ăn nếu thời tiết bất lợi... 


Người dân huyện Mù Cang Chải che nilon chống rét cho mạ. 

Trước đợt rét này, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu đã có công điện về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại trên địa bàn. Huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết; cảnh báo kịp thời đến các bản, tổ dân phố để người dân biết và chủ động phòng tránh, đặc biệt là đối với mưa tuyết và băng giá, thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ” để bảo vệ đàn gia súc. 

Cùng với đó, hướng dẫn nhân dân hạn chế chăn thả gia súc và không cho gia súc làm việc những ngày nhiệt độ hạ thấp dưới 12 độ C. Hiện nay, toàn huyện đã trồng trên 20 ha ngô sinh khối vụ đông; vận động người dân sử dụng hiệu quả diện tích cỏ hiện có 476 ha và 3.100 cây rơm để làm thức ăn cho đàn trâu 9.165 con, đàn bò 5.725 con. Tuy nhiên, đến ngày 21/2, hai huyện Trạm Tấu và Lục Yên đã chết 18 con gia súc do người dân không đưa kịp về nhà hoặc trâu già, nghé non sức đề kháng yếu.

Vì vậy, để bảo vệ đàn gia súc với trên 180.000 con trước đợt rét dài này, các cấp chính quyền trên toàn tỉnh đã tăng cường các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã cử cán bộ xuống các địa phương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cũng như kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Đối với các xã vùng cao, vận động người dân đưa trâu, bò thả rông về chuồng nuôi để tiện theo dõi và chăm sóc, tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng. 

Đối với trâu, bò già yếu, gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp như: cho trâu, bò ăn đủ lượng cỏ các loại với lượng từ 30 - 40kg và 3,5kg thức ăn tinh trong một ngày - đêm đối với 1 trâu, bò trọng lượng 300 kg; bổ sung muối ăn với lượng 15g bằng cách hoà vào nước ấm cho trâu, bò uống; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng...

Theo thông báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, đợt không khí lạnh tăng cường này sẽ tiếp tục kéo dài từ nay đến ngày 23/2. Người dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết và chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, nhất là các vùng núi cao hay xuất hiện băng tuyết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hồng Duyên

Tags sản xuất nông nghiệp Yên Bái rét đậm rét hại Mù Cang Chải lúa xuân phương châm "4 tại chỗ” tụ huyết trùng lở mồm long móng

Các tin khác
Cán bộ Phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm.

Năm 2022, Bộ Tài chính giao tỉnh Yên Bái thu ngân sách trên địa bàn là 2.587,9 tỷ đồng. Dự toán được HĐND tỉnh quyết định là 4.600 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc tại xã Bản Công.

Tính đến 16h ngày hôm nay - 21/2, trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã có 15 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại; trong đó, trâu 10 con, nghé 3 con, bò 1 con và lợn 1 con.

Theo Chương trình hành động 56 của Tỉnh uỷ Yên Bái, Kế hoạch số 58 của Huyện uỷ Trạm Tấu, năm 2022, huyện Trạm Tấu được giao trồng mới 320 ha rừng, tăng 246 ha so với năm 2021; trong đó, rừng phòng hộ 250 ha, rừng sản xuất 70 ha.

Từ 15h chiều 21/2, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 961 đồng/lít lên 25.531 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít lên 26.285 đồng/lít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục