Những ngày này, trên khắp các triền đồi ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, bà con đang nhộn nhịp trồng tre Bát độ. Gia đình ông Hà Tiến Dũng, thôn Đồng Bằng được chọn làm điểm ra quân trồng tre Bát độ của xã.
Ông Dũng phấn khởi cho biết: "Nhà tôi hiện có 3 ha tre Bát độ và năm vừa qua thu hoạch được 35 tấn với giá trung bình 4.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trên 120 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi sẽ trồng thêm 1 ha tre Bát độ. Được xã chọn làm điểm để ra quân trồng tre Bát độ, nên ngay từ thời điểm trong tết chúng tôi đã xử lý thực bì, đào hố và giờ thì tập trung nhân lực để trồng trong khung thời vụ tốt nhất”.
Trưởng thôn Đồng Bằng - ông Trần Quốc Hoàn cho biết: "Hiện, toàn thôn có khoảng 20 hộ trồng tre Bát độ lấy măng với diện tích khoảng 30 ha. Trong đó có 18 ha đã cho thu hoạch. Riêng nhà tôi có 3 ha được trồng từ năm 2018 và năm vừa rồi bắt đầu cho thu hoạch được hơn 11 tấn măng, thu về 45 triệu đồng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh - Triệu Khánh Thiện, nhận thức rõ việc trồng tre Bát độ là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trở thành cây làm giàu nên kế hoạch trồng tre Bát độ hàng năm luôn được địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng. Ngay sau tết Nguyên đán, người dân đã triển khai trồng tre Bát độ. Theo kế hoạch, khoảng tháng 4/2022, toàn xã sẽ trồng xong 35 ha, nâng tổng diện tích tre Bát độ toàn xã lên gần 400 ha”.
Không riêng ở xã Lương Thịnh, tại các xã vùng quy hoạch trồng tre Bát độ như: Hưng Khánh, Hồng Ca, Kiên Thành, thời điểm này bà con cũng đang tích cực trồng tre Bát độ. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, năm 2022, huyện xây dựng kế hoạch trồng mới 125 ha tre Bát độ và huyện phấn đấu trồng trên 180 ha tập trung chủ yếu tại 4 xã gồm: Lương Thịnh 35 ha, Hưng Khánh 20 ha, Hồng Ca 35 ha và Kiên Thành 35 ha; tập trung thâm canh vùng nguyên liệu 3.715 ha đạt sản lượng 30.500 tấn măng thương phẩm.
Cùng đó, huyện thực hiện 5 dự án liên kết theo chuỗi giá trị măng tre Bát độ giai đoạn 2022 - 2025; trong đó, xã Kiên Thành 2 dự án, Lương Thịnh 1 dự án, Hưng Khánh 1 dự án, Lương Thịnh 1 dự án với diện tích đăng ký theo chuỗi 185 ha.
Bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ và phát triển nông nghiệp huyện cho biết: "Để hoàn thành kế hoạch, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai rộng rãi cho nhân dân đăng ký trồng mới tre Bát độ; rà soát diện tích đất vườn hộ, đất trồng cây sau chu kỳ khai thác, đất chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre Bát độ; hướng dẫn nhân dân phát dọn thực bì, chuẩn bị đất đảm bảo trồng đúng thời vụ. Từ ngày 15/2 - 25/2, tại các xã chủ động tổ chức ra quân trồng tre Bát độ theo từng địa bàn. Những ngày này, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tập trung về cơ sở hướng dẫn người dân làm đất, chuẩn bị giống và trồng đúng kỹ thuật nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao; huyện phấn đấu cơ bản hoàn thành diện tích trồng mới trước ngày 15/4”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên - Nguyễn Đức Mầu, tre Bát độ là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm của huyện. Đến nay, huyện đã hình thành vùng trồng tre Bát độ tập trung với diện tích trên 3.700 ha. Riêng năm 2021, sản lượng măng thương phẩm đạt trên 30.500 tấn, giá trị thu nhập trên 100 tỷ đồng. Sản phẩm măng tre Bát độ có thị trường tiêu thụ ổn định xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.
Thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân, Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm măng cho nông dân các xã trồng tre Bát độ.
Trong giai đoạn tới, huyện phát triển mở rộng diện tích trồng tre Bát độ tạo ra vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến sản phẩm, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn có chất lượng, giá trị cao và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Cụ thể, tập trung đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu 3.715 ha, trồng mới, trồng thay thế 500 ha, phấn đấu đến năm 2025 diện tích tre Bát độ đạt trên 4.000 ha, sản lượng măng khai thác hàng năm đạt 40.000 tấn măng thương phẩm. Trên địa bàn huyện có nhà máy chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm măng góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Văn Thông