Yên Bái: Doanh nghiệp vận tải gặp khó vì giá xăng, dầu “leo thang”

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/2/2022 | 7:44:33 AM

YênBái - Sau hơn 2 năm chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, hoạt động vận tải sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế-xã hội bước vào giai đoạn bình thường mới theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tuy nhiên, với việc giá xăng, dầu liên tiếp được điều chỉnh tăng cao so với giá bình quân nhiều năm qua đã khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải đã “khó” nay càng thêm “khó”.

Giá xăng, dầu tăng cao nhưng Bến xe khách Yên Bái lại vắng khách, khiến doanh thu vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn.
Giá xăng, dầu tăng cao nhưng Bến xe khách Yên Bái lại vắng khách, khiến doanh thu vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn.


Kinh doanh vận tải nhiều năm, nhưng chưa khi nào nhà xe Đông Anh, thuộc Hợp tác xã Vận tải Quyết Tiến chạy tuyến Thác Bà - Vũ Linh - Bạch Hà lại rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Tác động từ đại dịch Covid -19 khiến lượng hành khách đi lại sụt giảm, thường xuyên phải bù lỗ. "Các tuyến nội tỉnh bình thường vốn đã ít khách nay lại càng vắng hơn. Nhiều lúc, xe chỉ có 2 đến 3 khách nhưng vẫn phải chạy để giữ tuyến, giữ khách” - anh Trần Tuấn Anh, nhà xe Đông Anh cho biết.

Theo ông Vi Văn Phượng - Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Quyết Tiến, hiện đơn vị có hơn 50 đầu xe chạy các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh. Chi phí bến bãi và xăng, dầu tăng, lượng khách hạn chế, song giá vé không được tăng theo khiến doanh thu của các nhà xe thu về không đủ chi phí chứ đừng nói đến lãi. 

Qua ghi nhận tại các DN vận tải, thua lỗ và hoạt động cầm chừng là thực trạng chung của hầu hết các DN, nhà xe kinh doanh vận tải trên địa bàn trong 2 năm trở lại đây. Hoạt động trong bối cảnh đại dịch vốn đã khó khăn, nay giá nhiên liệu đầu vào tăng cao càng khiến cho các DN, nhà xe trở nên khó khăn hơn. 

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái, hiện DN đang có 184 đầu xe nhưng số xe hoạt động chỉ chiếm 55%. Bình thường tiền nhiên liệu cho một chuyến xe chiếm khoảng 30%, nay giá xăng, dầu tăng, đẩy chi phí xăng dầu chiếm tới 40 - 45% phí vận hành. Ngoài ra còn chi phí thuê lái xe, văn phòng bến bãi, thuế… Trong khi đó, tâm lý ngại dịch Covid-19 đã khiến lượng khách chọn đi phương tiện vận tải công cộng ngày một sụt giảm. 

Ông Đinh Đăng Khoa - Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Trước khi xăng, dầu tăng giá, mỗi chuyến xe Yên Bái - Hà Nội chỉ đón được 5 - 10 khách. Với lượng khách này, trừ các chi phí, cố gắng co kéo thì DN lỗ khoảng 10 - 20%. Giờ giá xăng, dầu tăng thêm, DN cũng không dám tăng giá cước, vì tăng nữa thì không có khách đi”. 

Không chỉ vận tải hành khách tuyến cố định và liên tỉnh chịu tác động mà hoạt động vận tải hành khách bằng taxi cũng chịu thiệt hại do chi phí xăng, dầu chiếm gần 30% doanh thu. Hãng taxi Mai Linh tại Yên Bái có 42 đầu xe, song vẫn phải hoạt động cầm chừng vì lượng khách ít, chi phí xăng dầu tăng mà vẫn giữ nguyên giá cước. 

Ông Tạ Đức Cường - Quản lý điều hành Hãng taxi Mai Linh Yên Bái cho biết: "Xăng, dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. DN đang tiến thoái lưỡng nan chưa biết làm thế nào để đảm bảo đời sống, thu nhập cho anh em. Nếu xăng, dầu tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị để điều chỉnh giá cước”. 

Hiện, nhu cầu đi lại của người dân đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng, DN vận tải muốn cân đối thu chi sẽ buộc phải điều chỉnh, đưa ra giá cước mới phù hợp với đầu vào. Điều này, sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách. 

Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng, dầu. Hiện, mức thu loại thuế này đang khá lớn, từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. 

Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nên xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Bên cạnh đó, các DN vận tải cũng cần có kế hoạch sử dụng hợp lý, tiết kiệm xăng, dầu để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Từ ngày 11/2, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng từ 660 - 980 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5 cao nhất là 24.570 đồng/lít (tăng 980 đồng); A95 là 25.320 đồng/lít (tăng thêm 960 đồng); dầu hỏa là 18.750 đồng/lít (tăng 960 đồng), dầu diesel là 19.860 đồng/lít (tăng 960 đồng), dầu mazut là 17.650 đồng/kg (tăng 660 đồng)… Kể từ chiều 21/2, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đều tăng 960 đồng/lít, lên lần lượt 25.530 đồng/lít và 26.280 đồng/lít. Đây cũng trở thành mức giá cao nhất trong lịch sử. Theo thống kê, lần gần nhất giá xăng, dầu tăng cao là giai đoạn năm 2014. 

 Hùng Cường

Tags Yên Bái doanh nghiệp vận tải giá xăng Covid-19

Các tin khác
Nông dân xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên trồng tre Bát độ.

Nhờ dễ trồng, dễ chăm sóc, sản phẩm măng tre Bát độ được các doanh nghiệp tiêu thụ hết; do đó, cây tre Bát độ đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Trấn Yên.

Các bồn chứa dầu ở Cushing, Oklahoma, Mỹ.

Giá dầu thế giới hiện tăng vọt lên gần 100 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2014.

Xe nông sản chờ thông quan qua đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài.

Lạng Sơn thông báo sẽ kéo dài thời hạn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh này để xuất khẩu sang Trung Quốc đến hết ngày 5/3.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò hiệu quả từ vay vốn tín dụng chính sách của ông Giàng A Hồng, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.

Nhiều năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mù Cang Chải đã chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) của Nhà nước tới hộ nghèo, các đối tượng chính sách, góp phần phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục