Trồng cam đã hơn chục năm nay nhưng phải đến khi cây cam mắc bệnh vàng lá, thối rễ, bà Hoàng Thị Nhàn ở thôn Trung Tâm, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) mới nhận ra chính việc bón phân không cân đối; trong đó, lạm dụng phân bón hóa học chính là khởi đầu của bệnh. Bón nhiều phân hóa học sẽ gây chua đất tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều vi sinh vật có hại cho rễ như nấm Fusarium phát triển và gây hại, làm mặt đất bị lèn và khó thấm nước.
Bà Nhàn tâm sự: "Vụ vừa qua, gia đình tôi chỉ thu được 17 tấn cam các loại trên diện tích 1,8 ha, năng suất và sản lượng đều giảm hơn một nửa so với những năm trước. Nhưng so với các hộ trồng cam trong xã, có nhiều hộ còn mất trắng vụ này thì gia đình tôi vẫn còn có lãi. Ngoài việc làm cỏ thủ công, quải vôi khử trùng, tôi chuyển sang ủ PHC kết hợp với phân vi sinh hữu cơ để bón cho cây trồng. Không những tiết kiệm chi phí mà cây có múi rất thích hợp với PHC nên gia đình tôi cũng vớt vát được phần nào”.
Bà Nhàn cũng cho biết thêm, với những cây cam 3 năm tuổi bà mới trồng được chăm sóc theo cách này, cây vẫn đang sinh trưởng, phát triển bình thường, không bị ảnh hưởng bởi bệnh.
Thực tế cũng cho thấy những vườn cây có múi sử dụng nhiều PHC hoai mục có tuổi thọ cao và cho sản lượng, chất lượng quả tốt hơn những vườn ít hoặc không dùng. Trong khi đó, sử dụng PHC có nhiều lợi ích như: tạo điều kiện cho những vi sinh vật có ích phát triển, giúp đất tơi xốp, rễ cây phát triển mạnh và đặc biệt là hạn chế tối đa hiện tượng vàng lá thối rễ.
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành (xã Yên Hợp, huyện Văn Yên), PHC đã được sử dụng ngay từ khi bắt đầu xây dựng mô hình sản xuất rau-củ-quả hữu cơ.
Bà Trần Thị Tình - Giám đốc HTX cho biết: "HTX hiện có 3 trang trại gồm: rau - củ - quả, chăn nuôi gà và ao cá. Trên địa bàn xã có 3 trang trại nuôi thỏ quy mô khoảng 5.000 con. Vì vậy, chúng tôi đã tận dụng nguồn chất thải từ các trang trại này để nuôi giun quế. Từ khi nuôi thêm giun quế, chất thải là nguyên nhân gây ô nhiễm, bốc mùi nay trở thành nguồn thức ăn cho giun, giúp chất thải tạo lớp mùn vừa khử mùi của phân chuồng vừa tạo lớp PHC cho cây trồng, giun trưởng thành lại trở thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi gà, cá”.
Còn tại HTX Rau an toàn Minh Tiến ở thôn Minh Tân, xã Y Can, huyện Trấn Yên sử dụng PHC được ủ từ phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục. Với việc sử dụng PHC thay thế cho phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật phun đúng dòng, cách ly đủ ngày; dành thời gian cho đất nghỉ và làm sạch nấm mốc, khử khuẩn diệt nấm mới tra giống, gieo hạt, 1,4 ha rau của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, rau của HTX được nhiều cửa hàng, nhà hàng, bếp ăn tập thể tại trường học, công ty tiêu thụ với sản lượng 70 -100 kg/ngày, giá bán cao hơn 30% so với thị trường.
Sử dụng PHC chính là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để việc sử dụng PHC thay cho phân hóa học được thực hiện rộng rãi, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác dụng của PHC để người dân tin tưởng và áp dụng.
Cần khuyến khích người dân tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, áp dụng các phương pháp ủ truyền thống kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu quả xử lý các phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt làm PHC.
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật ủ PHC; trong đó, ưu tiên những phụ phẩm có sẵn tại địa phương; đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng PHC phù hợp, hiệu quả để người dân học tập và nhân rộng tại địa phương...
Hoài Anh