Trong báo cáo về tình hình sản xuất, thương mại 2 tháng đầu năm vừa công bố, Bộ Công Thương lưu ý đến những biến động về giá cả, trong đó có nhóm năng lượng, nhiên liệu.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có xu hướng tăng theo xu hướng giá thế giới. Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 21/2 so với kỳ điều hành ngày 11/1 tăng từ 1.570 đồng đến 2.562 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng 9,59% - 14,04%.
Còn tại kỳ điều hành mới nhất ngày 1/3, xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng 540 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 550 đồng/lít. Trong khi đó giá dầu diesel tăng 510 đồng/lít, dầu hỏa tăng 470 đồng/lít còn dầu mazut tăng 530 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, hiện xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa trên thị trường là 26.070 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng/lít; dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.970 đồng/lít; dầu mazut 18.460 đồng/kg.
Trước tình hình giá xăng trong nước tăng cao chưa từng có, tiến sát về mốc 27.000 đồng/lít, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Trong đó nhấn mạnh tới mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Công Thương, việc tính toán rà soát lại nhằm cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Đồng thời việc này cũng để đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trước đó trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, nguồn cung có gián đoạn cục bộ, ngày 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, đề xuất phương án thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.
Trao đổi với phóng viên báo chí, đại diện phía Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu.
Hiện nay, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu bao gồm Thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được quy định đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như E5, E10 chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cầu trong xăng sinh học. Mức thuế này đều được quy định "cứng" trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế đối với xăng hiện chiếm khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức chiếm khoảng 5-8% mức giá cơ sở.
Trong khi đó lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) từng nhấn mạnh quan điểm, khi giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch trong bối cảnh quỹ bình ổn giá có hạn, cần thiết sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
(Theo Dân trí)