36 ha cam, bưởi đã cho thu hoạch của Tổ hợp tác Sản xuất cam, bưởi an toàn Hồng Sơn ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đều được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ hợp tác cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật được cách ly ít nhất 2 tháng trước khi thu hoạch, sản phẩm đảm bảo về chất lượng và có truy xuất nguồn gốc. 17 hộ thành viên của Tổ còn chia thành 5 nhóm, thường xuyên theo dõi, giám sát chéo nhau các nội dung thực hiện trên sổ nhật ký sản xuất nhằm xây dựng và giữ vững thương hiệu.
Ông Hà Khắc Lâm - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: "Việc sản xuất sạch đã giúp chúng tôi gây dựng được uy tín trên thị trường, việc tiêu thụ trở nên khá dễ dàng. Vụ vừa qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn xuất bán ra thị trường trên 400 tấn cam, 3 vạn quả bưởi, doanh thu đạt 5 tỷ đồng”.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải cũng có trên 2 ha sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Bà Bùi Thị Hồng - Giám đốc HTX cho biết: "Sự quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng với các sản phẩm nông nghiệp sạch đã trở thành cơ hội để HTX mạnh dạn hơn với hướng đi này. HTX cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ tỉnh, huyện như: tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, được hỗ trợ 1 hệ thống tưới tự động trị giá 300 triệu đồng… Đến nay, trung bình mỗi năm HTX sản xuất 3 vụ, sản lượng đạt 30 - 40 tấn/năm, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng, cung cấp sản phẩm thường xuyên cho 3 cửa hàng nông sản lớn ở Hà Nội”.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 130 cơ sở, nhóm hộ áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, hữu cơ... Hiệu quả của những mô hình này đã tạo tiền đề quan trọng để các địa phương định hướng phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh giai đoạn này.
Với vùng cao, tỉnh đẩy mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm chủ lực, ưu tiên những sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP; tận dụng lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc để xây dựng chuỗi cung ứng kép đặc trưng, có chất lượng.
Với vùng thấp, sẽ hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực, có cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP).
Chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại bảo đảm an toàn sinh học, đi vào chuỗi cung ứng có giá trị và thương hiệu; mở rộng nuôi trồng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản giá trị cao, phát triển sản phẩm cá sạch, cá đặc sản hồ Thác Bà...
Để thực hiện nhiệm vụ này, Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá từ thực tiễn sản xuất, đề ra giải pháp chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.
Nội dung của các chính sách đã có sự đổi mới, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận thông qua hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Trong điều kiện hưởng hỗ trợ của 1 số chính sách như: chè vùng cao, chè vùng thấp, cây ăn quả, quế… đã có thêm yêu cầu "Vùng nguyên liệu của dự án phải áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tiêu chuẩn hữu cơ”, giúp các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình dần thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện "sản xuất xanh” thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn, chất lượng, gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản, việc định hướng chuyển đổi phương thức, tư duy canh tác theo hướng "nông nghiệp xanh” của Yên Bái là giải pháp hiệu quả giúp các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Hoài Anh