Mặc dù dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng các chính sách linh hoạt trong phòng, chống dịch cả trong nước và thế giới đã giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu thuận lợi hơn. Các hiệp định thương mại đa phương, song phương có hiệu lực cũng tạo hiệu ứng tốt đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt gần 45 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu tháng 1 đạt 22,3 triệu USD, vượt 12% so với kịch bản (tương đương 2,3 triệu USD), tăng 69% so cùng kỳ (tương đương 9,1 triệu USD).
Nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoáng sản, tiếp theo là may mặc, nông - lâm sản, nhựa và chất dẻo.
Tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,6 triệu USD, tăng 8% so với kịch bản (tương đương 1,16 triệu USD), tăng 0,15% so với tháng trước (tương đương 0,349 triệu USD), tăng 56% so cùng kỳ (tương đương 8,16 triệu USD).
Đặc biệt, trong thời gian 9 ngày nghỉ tết, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn nỗ lực sản xuất và có đơn hàng xuất, nhập khẩu để đảm bảo yêu cầu của phía đối tác cũng như phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra của doanh nghiệp. Với đà tăng trưởng này, dự ước tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 triệu USD, tăng 9% so với kế hoạch, tăng 2% so cùng kỳ.
4 nhóm hàng tháng 1 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021
Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, để hoàn thành kế hoạch năm 2022, ngay từ đầu năm Sở Công Thương đã tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ, hướng dẫn tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, đặc biệt là thị trường EU.
Sở Công Thương tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản, thâm nhập các thị trường mới, giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại dịch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh việc củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, Yên Bái tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Đối với các doanh nghiệp, hiện nay đã có rất nhiều FTA đã có hiệu lực, điều này không chỉ mở ra những ưu đãi về thuế quan, không chỉ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn tạo động lực để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư trong nước nhằm tăng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, trong "sân chơi" này, các doanh nghiệp cần thận trọng trong giao dịch quốc tế.
Việc tận dụng ưu đãi từ các FTA trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, tạo áp lực cho doanh nghiệp trong nước phải nhận thức rõ về những hàng rào kỹ thuật các nước nhập khẩu có thể áp dụng như thuế chống phá giá, chống trợ cấp. Do vậy, cùng với việc tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ đi đôi với nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Quang Thiều