Hiện nay, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH được tính theo Quyết định số 15/2019 ngày 20/8/2019 của UBND tỉnh với phương thức thu là tính theo nhân khẩu với mức thu tối đa đối với các phường, thị trấn từ 2.500 đồng đến 4.500 đồng/khẩu/tháng, tùy từng khu vực; đối với các xã, mức thu từ 1.500 đồng đến 3.000 đồng/khẩu/tháng, tùy từng khu vực.
Mức thu này mới chỉ đạt từ 17% đến 56% so với mức giá khi tính đúng, tính đủ. Do đó, hàng năm, kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho công tác thu gom, vận chuyển CTRSH là rất lớn, chiếm đa số kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của tỉnh như: năm 2019 chiếm 85%, năm 2020 chiếm 84%; trong đó riêng thành phố Yên Bái chiếm từ 70% đến 74% kinh phí hỗ trợ của cả tỉnh.
Đây cũng là lý do khiến mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển tại đô thị thấp hơn rất nhiều (mức cao nhất mới chỉ bằng 50 - 60%) so với mức thu phổ biến của người dân nông thôn thực hiện mô hình tổ tự quản, tự nguyện đóng toàn bộ chi phí. Trong khi đó, đời sống người dân tại đô thị cao hơn, lượng chất thải phát sinh nhiều hơn, tần suất thu gom cao hơn, chủng loại và tính chất của chất thải cũng đa dạng hơn và khó xử lý hơn.
Thêm vào đó, mức thu thấp dẫn đến ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ cho công tác này rất lớn, không còn kinh phí cho nhiệm vụ, dự án khác về công tác bảo vệ môi trường... Mức thu thấp cũng sẽ có tác động tiêu cực đến việc khuyến khích nhân rộng các mô hình tổ tự quản theo cơ chế xã hội hóa tại các khu vực nông thôn.
Rõ ràng, việc tính đúng, tính đủ sẽ làm tăng mức phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH mà người dân đô thị đang đóng góp nhưng sẽ khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý CTRSH trong thời gian qua. Hiện nay, mức giá khi tính đúng, tính đủ ở một số địa phương được ngành TN - MT tham mưu xây dựng là: 10.711 đồng/người/tháng đối với thành phố Yên Bái, 8.839 đồng/người/tháng với thị xã Nghĩa Lộ hay 5.849 đồng/người/tháng với huyện Lục Yên, Trạm Tấu...
Sau khi tỉnh ban hành các quy định mới điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, các địa phương sẽ căn cứ giá tối đa được quy định, tổ chức xây dựng giá thu phù hợp với lộ trình thu hàng năm; xây dựng phương án thu và tổ chức thu bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Dự kiến việc triển khai thực hiện sẽ bắt đầu từ quý II năm 2022.
Theo đó, từng bước nâng cao tỷ lệ thu xã hội hóa từ các chủ nguồn thải đạt mục tiêu đến năm 2025, chi phí thu gom, vận chuyển CTRSH thu từ nguồn xã hội hóa tối thiểu đạt 80% ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, 60% ở hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và 70% với các huyện còn lại; đồng thời thu xã hội hóa tối thiểu 30% kinh phí cho xử lý CTRSH.
Đến năm 2030, tỷ lệ thu xã hội hóa từ các chủ nguồn thải đối với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tiếp tục tăng thêm 10% so với năm 2025. Đây cũng được coi là bước đầu tiên để thực hiện hiệu quả nguyên tắc, quan điểm "người gây ô nhiễm phải trả tiền” tại Quyết định số 419 ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH "dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại”. Trong đó, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng không phải trả phí.
Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng "cào bằng” về chi phí phải trả cho môi trường. Khi đó, người dân sẽ có xu hướng giảm thiểu xả thải thông qua các hoạt động tái chế, tái sử dụng, ủ phân hữu cơ…
Hoài Anh