Mù Cang Chải chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/4/2022 | 7:43:43 AM

YênBái - Vụ đông vừa qua, thay vì trồng ngô như mọi năm, gia đình chị Hờ Thị Xẩy ở bản Háng Chua Say, xã La Pán Tẩn chuyển 700 m2 đất nương sang trồng cải ngọt, cải củ và cây gia vị. Việc chuyển đổi đã giúp gia đình chị lãi khoảng 8 triệu đồng, cao gấp 2 lần trồng ngô. Đó là ví dụ về việc dần thay đổi tư duy sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường của nông dân Mù Cang Chải.

Mô hình trồng su su lấy ngọn ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải.
Mô hình trồng su su lấy ngọn ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải.

Mấy năm trở lại đây, thay vì chỉ sản xuất những loại rau màu truyền thống, nhiều hộ trồng rau đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp nhu cầu của thị trường. Theo đó, nhiều diện tích được trồng sớm hoặc muộn hơn so với lịch thời vụ để giảm áp lực tiêu thụ và bán được giá cao hơn. Đồng thời đưa những cây trồng mới, được người tiêu dùng ưa chuộng vào gieo trồng nên hiệu quả kinh tế được nâng lên đáng kể.

Chị Hờ Thị Xẩy ở bản Háng Chua Say, xã La Pán Tẩn cho biết: Vụ đông vừa qua, thay vì trồng ngô như mọi năm, gia đình chị chuyển 700 m2 đất nương sang trồng cải ngọt, cải củ và cây gia vị. Việc chuyển đổi đã giúp gia đình chị thu lãi khoảng 8 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng ngô. 

Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp về giống cây hồng giòn - loại cây ăn quả mới, gia đình ông Thào Nhà Của ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt đã mạnh dạn trồng gần 100 gốc hồng giòn. Từ năm 2017, vườn hồng cho thu hoạch với năng suất mỗi cây trung bình từ 40 - 50 kg, với giá bán hiện dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg đã mang lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Điều đáng nói là vườn hồng nhà ông Của thu hoạch đến đâu bán hết đến đó mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. 

Nhận thấy thị trường tiêu thụ rau xanh là rất lớn, anh Phạm Quang Thọ ở bản Thái, xã Khao Mang mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 mô hình trồng rau chất lượng cao ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải và ở thị trấn Mù Cang Chải với diện tích hơn 10 ha để trồng su su, bí đỏ và rau xanh các loại. Hiện, bình quân mỗi ngày anh Thọ xuất ra thị trường 500 - 600 kg su su, bí đỏ và 200 kg rau các loại, chủ yếu là cung cấp cho các trường bán trú trên địa bàn huyện và một số nhà hàng lớn ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Việc sản xuất nông nghiệp ở Mù Cang Chải đã rõ tín hiệu theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường và ngày càng chứng minh được hiệu quả kinh tế, tạo hứng khởi cho người sản xuất. Vì thế, trên địa bàn ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường... 

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Các mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế đã góp phần làm thay đổi tư duy cũng như phương thức sản xuất của nông dân. Trước kia, người dân vùng cao chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp nhưng giờ đây, họ đã sản xuất theo hướng hàng hóa. 

Điều đáng mừng hơn là tư duy phát triển kinh tế của người dân vùng cao đã chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, phát huy được lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để lựa chọn được những loại cây trồng, con giống thích hợp, có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc sản vùng miền, bản địa, từng bước góp phần vào sản xuất nông nghiệp theo hướng đặc sản, tiêu chuẩn OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và chứng nhận VietGAP, hữu cơ. 

Để giúp người dân về định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ngừng nâng cao năng lực phân tích, dự báo nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Từ đó, định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện. Phòng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện mở rộng diện tích trồng rau, hoa trên những diện tích lúa một vụ kém hiệu quả và nhân rộng các mô hình này trên toàn huyện để phát huy các lợi thế địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng đưa vào sản xuất những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và mang tính trái vụ như: su hào, bắp cải, khoai tây, cà chua…

Được sự quan tâm bằng cơ chế, chính sách của huyện cùng với sự chủ động tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sự nỗ lực của nông dân vươn lên khai thác thế mạnh thổ nhưỡng, khí hậu địa phương để đưa những loại cây trồng, con giống có giá trị kinh tế cao vào canh tác, đã mở hướng phát triển bền vững cho địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp nhiều người dân xóa đói, giảm nghèo.

Quang Thiều

Tags Mù Cang Chải rau quả hàng hóa OCOP VietGAP kinh tế nông nghiệp

Các tin khác
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại xã Tân Nguyên.

Năm 2022, huyện Yên Bình đặt mục tiêu trồng mới 3.500 ha rừng.

Nhân viên Công ty TNHH Thảo dược Kiên Minh sơ chế dược liệu trước khi đưa vào chế biến.

Những năm qua, từ các chính sách phát triển cây dược liệu, Yên Bái đã xây dựng thành công nhiều khu vực trồng dược liệu tập trung liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến dược phẩm, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo tiêu chuẩn thực hành của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO).

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng nhấn mạnh, năng lượng là 1 trong 5 cân đối lớn phải bảo đảm để góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 3/4, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc với đơn vị tư vấn và các ngành liên quan rà soát, lấy ý kiến tham gia vào các đồ án: Quy hoạch phân khu tuyến đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Quy hoạch phân khu tuyến đường nối quốc lộ 32C với đường Âu Cơ. Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục