Nguyên nhân là do một bộ phận người dân thiếu ý thức trong bảo vệ rừng (BVR) và phòng, chống cháy rừng; đồng thời, một phần do áp lực về lương thực nên tình trạng phát phá rừng để canh tác nương rẫy vẫn còn xảy ra.
Theo Ban Chỉ huy Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của xã, vụ khô hanh 2020 - 2021, UBND xã đã phối hợp cùng kiểm lâm phụ trách địa bàn, cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện phụ trách xã cùng tổ quản lý, BVR các thôn tổ chức tuần tra, kiểm soát và kịp thời phát hiện xử lý 8 vụ vi phạm; trong đó, có 5 vụ san gạt rừng phòng hộ trái phép, 1 vụ ken cây, 1 vụ đốt nương gây cháy lan vào rừng, 1 vụ lập lán trại trái phép.
Bước vào mùa khô 2021 - 2022 với phương châm phòng là chính, xã đã lên kế hoạch PCCCR từ rất sớm và đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban với 25 thành viên; thành lập 1 tổ cơ động BVR, PCCCR của xã gồm 18 người; tại các thôn đã thành lập 7 tổ đội BVR, PCCCR với tổng số 49 thành viên; xây dựng lịch trực PCCCR, có ghi số điện thoại liên lạc của từng thành viên để kịp thời chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ”.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với thôn tổ chức ký cam kết BVR, PCCCR với 1.005 lượt hộ dân và học tập các văn bản của Nhà nước về công tác quản lý BVR, PCCCR. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin về dự báo, cảnh báo cháy rừng của Hạt Kiểm lâm, đài phát thanh huyện để có biện pháp phòng ngừa kịp thời, không bị động, bất ngờ. Khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp III, IV, V thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ và kiểm soát chặt chẽ việc đốt nương trong mùa canh tác.
Kiểm lâm viên Hoàng Đức Việt phụ trách địa bàn xã Bản Mù cho biết: "Những vụ cháy trước đây trên địa bàn xã, đều xuất phát từ sự bất cẩn sử dụng lửa của người dân khi đốt rừng làm nương rẫy, đốt các bãi chăn thả gia súc. Vì vậy, vào những ngày nắng nóng, Ban Chỉ đạo xã đã phối hợp với cán bộ BQLRPH huyện, kiểm lâm địa bàn xuống các thôn tổ chức tuyên truyền về công tác nhận khoán, BVR, PCCCR; dùng loa thông báo vào sáng sớm (từ 4 - 5 giờ sáng) cho nhân dân đi nương không dùng lửa đốt nương trong những ngày nắng nóng. Đặc biệt, chúng tôi phối hợp với các trưởng thôn tổ chức cưỡng chế đốt nương rẫy có kiểm soát; ký cam kết với từng hộ có trâu, bò chăn thả không đốt bãi chăn thả để mọc lớp cỏ mới nhằm đề phòng nguy cơ cháy rừng… Vì vậy, từ đầu vụ khô đến nay, trên địa bàn chưa để xảy ra cháy rừng”.
Nhờ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt nương, những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về BVR và PCCCR trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để công tác BVR đạt hiệu quả hơn nữa, chính quyền xã cần tiếp tục quản lý chặt chẽ việc sử dụng rừng, xâm canh, xâm cư và phát, đốt dọn nương, đốt bãi chăn thả gia súc trên địa bàn.
Về lâu dài, cần quy hoạch ổn định vùng nương rẫy vì hiện tại, việc đan xen giữa rừng và nương rẫy vẫn còn phổ biến nên không quản lý tốt sẽ cháy lan vào rừng bất cứ lúc nào.
Giải pháp có tính lâu dài không chỉ riêng ở Bản Mù, đó là cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó, tỉnh, huyện cần có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thu hút các thành phần kinh tế, người dân tham gia trồng rừng, BVR nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao mức sống cho người dân; từ đó, giảm áp lực vào rừng...
Văn Thông