Tinh dầu thực vật Đại Phú An của Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên được công nhận là đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 dựa trên các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế…
Sản phẩm Tinh dầu thực vật Đại Phú An được sản xuất 1.800 lọ/ngày; tiêu thụ trung bình 700 lọ/ngày. Công ty đang phấn đấu xây dựng sản phẩm này đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trong năm 2022. Ngoài tinh dầu thực vật, Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An còn có 4 sản phẩm là: An đường cao, Phú nữ cao, Tinh dầu sả chanh, Tinh dầu quế cũng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 và 2021.
Chị Nguyễn Loan Phượng - Phó Giám đốc phụ trách Công ty cho biết: "Các sản phẩm của Nam dược Đại Phú An sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn và dễ dàng lựa chọn. Đặc biệt, các chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP do tỉnh và trung ương tổ chức, Công ty đều gửi sản phẩm tham dự; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm tại các sự kiện thương mại, các hội chợ quốc tế. Ngay tại huyện Văn Yên, Công ty cũng có 2 gian hàng giới thiệu sản phẩm tại khu vực đền Đông Cuông và gian hàng tại tổ 9, thị trấn Mậu A”.
Chương trình OCOP được huyện Văn Yên xác định là một giải pháp trọng tâm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân ở nông thôn. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất, doanh thu.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Trong giai đoạn 2019 - 2021, huyện có 27 sản phẩm OCOP; trong đó, có 26 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao. Các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đến nay, đã đưa được 24/27 sản phẩm lên sàn giao dịch Voso.vn của Viettel; 19/27 sản phẩm lên sàn giao dịch Postmark của Bưu điện”.
Các sản phẩm OCOP hầu hết đều phát triển tốt, lượng hàng hóa sản xuất bán ra thị trường tương đối ổn định như: sản phẩm Bún khô của HTX Thanh Mai mỗi ngày sản xuất và tiêu thụ 1 tấn bún khô; HTX Quế Văn Yên trung bình mỗi ngày sản xuất và tiêu thụ 300 - 400 sản phẩm các loại (tinh dầu quế, bột quế, quế thuốc lá, quế vỏ, quế thanh, tinh dầu sả chanh...); Công ty cổ phần Nam Dược Đại Phú An sản xuất 1.800 lọ/ngày... Nhiều sản phẩm đã đến được với khách hàng, người tiêu dùng trong nước, quốc tế, khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm.
Cũng theo ông Thủy, tuy sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của huyện khá nhiều nhưng sản xuất vẫn chủ yếu mang tính tự phát, theo phương thức thủ công, chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Các sản phẩm OCOP mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao và tập trung nhiều ở lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp.
Một số cơ sở e ngại về vấn đề thủ tục và có tâm lý trông chờ, ỷ lại nên chưa chủ động tham gia. Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất đa phần còn yếu nên khó khăn về mặt bằng nhà xưởng, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm bài bản; việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, huyện Văn Yên phấn đấu có thêm 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó, có 7 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.
Để thực hiện mục tiêu này, Văn Yên đề nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về khoa học và công nghệ, các nguồn vốn ưu đãi, các hoạt động kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng cơ sở tư vấn, đào tạo để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tiếp cận thị trường qua xúc tiến thương mại, xây dựng phương án kinh doanh, quản lý kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm.
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX, tổ hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Văn Yên trở thành huyện NTM vào năm 2025.
Mạnh Cường