Là địa phương có lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, phường thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá.
Thực hiện chủ trương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh công tác liên kết "4 nhà” về giống, khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp; phát triển sản phẩm lúa đặc sản gắn với thị trường cao cấp, chế biến sâu.
Trong đó, với thế mạnh về cây lúa nước diện tích hơn 4.142 ha, hàng năm, ngoài các diện tích gieo cấy lúa lai, lúa thuần, Nghĩa Lộ đã tích cực phát triển sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao, điển hình vùng sản xuất tập trung lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 45,69 ha gồm: Séng cù 23,67 ha, J02 10 ha, Hương chiêm 12,02 ha tại xã Phù Nham đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2021; vùng sản xuất lúa Séng cù tại xã Phúc Sơn đã được công nhận Gạo Séng cù Phúc Sơn là sản phẩm OCOP 3 sao; mô hình sản xuất lúa Séng cù, Hương chiêm sử dụng phân bón hữu cơ Avi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Lương...
Bà Lò Thị Hương, thôn Khá Hạ, xã Thanh Lương chia sẻ: "Tham gia mô hình sản xuất lúa đặc sản và kỹ thuật chăm sóc sử dụng phân bón hữu cơ Avi, hiệu quả kinh tế khác hẳn so với sản xuất truyền thống. Như gia đình tôi, với hơn 4 sào ruộng, trước đây sản xuất truyền thống thu được khoảng 8 tạ/vụ thì nay cho thu khoảng 1 tấn/vụ. Cùng tiết kiệm chi phí chăm sóc,sản xuất theo phương pháp mới tăng cả sản lượng và giá thành sản phẩm cao hơn nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Không chỉ Thanh Lương, nhiều hộ dân ở các xã, phường còn tích cực chuyển đổi hơn 130 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Điển hình là các mô hình trồng dưa hấu với diện tích 45,36 ha, dưa lê 10,4 ha, ớt 4,2 ha, mướp đắng lấy hạt 2 ha, bí đỏ lấy hạt 1 ha... ở các xã Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương và Sơn A.
Bà Hà Thị Thao ở thôn Bản Bát, xã Thạch Lương phấn khởi: "Tôi có mảnh ruộng hơn 300 m2, khó lấy nước nên gieo cấy lúa một năm chỉ được hơn 3 tạ, quy ra tiền chưa được 3 triệu đồng, nhưng tôi trồng dưa hấu và rau màu đã cho thu nhập trên 6 triệu đồng/năm”.
Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hàng năm, các xã, phường đều vận động nhân dân đưa tất cả diện tích chân ruộng 2 vụ lúa sang trồng cây màu vụ đông, nhất là trồng các loại cây rau như: su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ... giúp nhân dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài lúa và cây màu, mỗi năm, thị xã Nghĩa Lộ gieo trồng trên 1.833 ha ngô, chủ yếu là ngô vụ đông xuân với hơn 1.664 ha, chiếm trên 90% diện tích ngô cả năm. Để từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích, nông dân Nghĩa Lộ đã chủ động chuyển đổi sang trồng các giống ngô đặc sản như: NK4300, DK6919, Fancy 111, HN88, MX10... để thu hoạch ngô bao tử, ngô non như: ngô ngọt, ngô nếp vừa tiện lợi mà lại cho giá trị kinh tế cao.
Bà Quản Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Cùng với tham mưu với cấp ủy, chính quyền thị xã về xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung thì để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nông nghiệp, thời gian qua, Phòng cũng đã phối hợp cùng các xã, phường vận động nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, chuyển đổi giống; chú trọng thực hiện sản xuất 3 vụ, sản xuất vụ 3 trên diện tích đất 2 vụ lúa...”.
Bên cạnh đó, nhờ chuyển đổi giống đặc sản và thực hiện chăm bón theo các tiêu chuẩn về khoa học kỹ thuật nên không chỉ tăng năng suất mà chất lượng sản phẩm từng bước được nâng cao. Hết năm 2021, thị xã Nghĩa Lộ đã có 12 sản phẩm OCOP, điển hình như: gạo Séng cù, trà cỏ ngọt Stesvia Tây Bắc, thịt trâu sấy, thịt lợn hun khói Mường Lò..., trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, năm 2022 tiếp tục đăng ký thực hiện thêm 2 sản phẩm OCOP mới.
Để ngành nông nghiệp của địa phương tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, chất lượng cao, Nghĩa Lộ còn quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân để nâng cao khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường tiềm năng được kịp thời.
Châu Á