Dù điều kiện còn hạn chế, nhưng với sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng, các thành viên trong đội tế lễ
Lễ hội Cầu mùa đã tạo nên những hình tượng sinh động và ấn tượng. Khán giả và du khách như vỡ òa trong tiếng reo hò khi thấy "hóa thân” của 12 con giáp lần lượt xuất hiện. Các em nhỏ liên tục chỉ tay và gọi tên các con vật: "Con rồng kìa!", "Con rắn này!". Còn các cụ già làng lại mỉm cười, nhẹ nhàng cho con cháu về ý nghĩa của từng con giáp. Cả không gian như bừng sáng bởi những điệu múa uyển chuyển, tiếng chuông, tiếng khèn nứa réo rắt và tiếng cười nói rộn rã khi chứng kiến Lễ hội Cầu mùa (cúng 12 con giáp) đã được phục dựng tại xã Yên Thành, huyện Yên Bình.
Hôm ấy, ông Hoàng Hữu Định - Nghệ nhân Ưu tú của đồng bào Dao Quần trắng không giấu được niềm vui và sự xúc động. Với ông, Lễ hội Cầu mùa không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là di sản văn hóa quý báu của cộng đồng người Dao xã Yên Thành mà ông cùng đội tế lễ đã miệt mài nghiên cứu, sưu tầm và khôi phục hơn hai thập kỷ qua. Đã rất nhiều mùa hè, ông dành trọn tâm huyết để truyền dạy cho lớp trẻ về chữ viết, điệu múa, nhạc cụ của người Dao để hôm nay góp phần tạo nên một lễ hội thật sự đặc sắc và ý nghĩa.
Ông Định chia sẻ: "Việc Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch tỉnh Yên Bái quan tâm, hỗ trợ khôi phục lại lễ cúng 12 con giáp như thổi một luồng sinh khí mới, giúp cho những giá trị văn hóa truyền thống được tiếp nối và phát huy. Đồng bào người Dao ở Yên Thành sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống, duy trì lễ hội như một nét đẹp văn hóa để quảng bá hình ảnh của Yên Bình. Với tôi, việc bảo tồn văn hóa sẽ không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm đam mê để rằng, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối, phát huy những giá trị mà cha ông đã để lại”.
Những năm gần đây,
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình đã trở thành một điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Trong hơn ba tháng qua, ngôi trường đã trở thành "ngôi nhà chung" của các nghệ nhân và các em học sinh, nơi những giá trị văn hóa tinh túy được truyền dạy, gìn giữ. Các nghệ nhân như: Hoàng Tương Lai, Âu Thị Chính, Hoàng Hữu Định… không quản ngại khó khăn, dành thời gian và tâm huyết để truyền dạy cho các em những điệu hát then, hát khắp cọi của người Tày, điệu hát giao duyên, múa Pâng Loóng của người Cao Lan, điệu múa chuông, thổi khèn nứa và các nghi lễ của người Dao.
Dù còn ít kinh nghiệm đứng lớp nhưng các nghệ nhân, với tâm huyết và đam mê, vẫn luôn chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ từ giáo án viết tay đến các đạo cụ truyền thống để truyền đạt cho hết "hồn cốt" văn hóa của dân tộc cho các em.
Nghệ nhân Ưu tú Âu Thị Chính hướng dẫn các em học sinh điệu hát giao duyên dân tộc Cao Lan
Điển hình là lớp học của Nghệ nhân Ưu tú Âu Thị Chính. Hơn 20 em học sinh người Cao Lan đã được bà truyền dạy những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng. Những câu hát về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống thường ngày đã khiến các em vô cùng thích thú. Lời ca tiếng hát như đưa các em trở về với nguồn cội, giúp các em hiểu rõ hơn về văn hóa của dân tộc mình. Không chỉ dạy hát, bà Chính còn hướng dẫn các em múa Xúc tép, một điệu múa đặc trưng của người Cao Lan.
Bà Chính chia sẻ: "Tôi có chút bỡ ngỡ khi đứng lớp dạy các em, nhưng nghĩ đến việc được truyền lại những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình cho thế hệ trẻ, tôi lại thấy vô cùng phấn khởi. Hiện nay, các cháu ít khi sử dụng điệu hát, điệu múa của dân tộc mình trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là ít không gian để biểu biểu. Mong sao sẽ có thêm nhiều nếp nhà sàn, nhà văn hóa, trường học có những không gian văn hóa để các em được học hỏi và giao lưu”.
Những mong muốn của ông Định, bà Chính cũng chính là điều mà Yên Bình đã và đang nỗ lực thực hiện trong thời gian qua nhằm giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện. Hình ảnh những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống dân tộc Tày, Cao Lan, Dao… tay cầm đàn tính, cầm khèn, cầm chuông hòa mình vào các điệu múa trong lễ hội lớn của huyện đã trở nên quen thuộc.
Từ các lễ hội Cầu mùa, lễ hội Cầu an, lễ hội Xuống đồng đến các lễ hội truyền thống ở đền Thác Bà, đình Khả Lĩnh, đình Ba Chãng và cả lễ hội Bưởi đặc sản mang tính thương mại của huyện cũng được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo người tham gia. Những lễ hội này không chỉ là dịp để cộng đồng sum họp, mà còn là cơ hội để truyền dạy cho thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình chia sẻ: "Huyện đã xây dựng một đội ngũ những người yêu văn hóa, có tâm huyết và trách nhiệm. Họ không chỉ là những nghệ nhân tài năng mà còn là những nhà truyền dạy tận tâm, luôn tìm tòi và sáng tạo để đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với cộng đồng. Bên cạnh việc tổ chức các lễ hội, huyện còn tích cực sưu tầm, bảo tồn các hiện vật, di tích lịch sử - văn hóa và thành lập tổ sưu tầm hiện vật để bảo vệ di sản văn hóa của địa phương”.
Với cách làm như vậy, năm 2024, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Bình đã xây dựng được hồ sơ khoa học cho di tích đình Khuôn La ở xã Tân Hương, đình Đá Trắng ở xã Vũ Linh; phối hợp khảo sát, hoàn thiện hồ sơ khoa học xếp hạng di tích đền Lương Nham, đình Làng Cọ ở xã Phú Thịnh; khai giảng 3 lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết và nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện cho hàng trăm học sinh; tổ chức lớp tập huấn phương pháp, kỹ năng bảo tồn và truyền dạy chữ viết, tiếng nói, nghệ thuật cho hàng trăm học viên, diễn viên quần chúng ở các xã, thị trấn. Đặc biệt, nhờ những nỗ lực, hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ thuật trình diễn Khắp cọi của người Tày huyện Yên Bình, huyện Lục Yên đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2024.
Cùng với đó, với quan điểm ở đâu có khách du lịch ở đó có đội văn nghệ dân gian dân tộc, huyện Yên Bình đã duy trì và phát triển 12 đội văn nghệ dân gian dân tộc tại các xã: Phúc An, Vũ Linh, Xuân Lai, Yên Thành, Ngọc Chấn và Tân Hương. Hàng năm, huyện tiếp tục được phê duyệt hàng trăm triệu đồng hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì các đội văn nghệ dân gian dân tộc thiểu số, mở các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc tại các xã. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động cho 10 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn với tổng kinh phí 400 triệu đồng (40 triệu đồng/câu lạc bộ)...
Với những kết quả đã đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Yên Bình sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên mà còn bởi những giá trị văn hóa độc đáo nhờ được bảo tồn và phát huy trong cả cộng đồng.
Hoài Văn