Từng là hộ nghèo nhất nhì trong thôn và là nhà đông con, có nhân lực lao động, song lại thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nên nhiều năm qua, gia đình chị Hoàng Thị Tuyết, thôn Khe Kìa, xã Phong Dụ Hạ luôn luẩn quẩn trong nghèo khó. Năm 2018, chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện thông qua Hội Phụ nữ xã.
Nhờ đồng vốn vay, chị Tuyết sửa lại hệ thống chuồng trại và mua 2 con lợn nái, trên chục con lợn giống về nuôi.
Với phương thức chăn nuôi gối đàn, lợn nái đẻ bao nhiêu, chị để lại nuôi thành lợn thương phẩm nên quy mô đầu đàn sau 2 năm đã được nhân lên. Kinh tế gia đình khá hơn, đầu năm 2021, chị Tuyết tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Chị Tuyết cho biết: "Đàn lợn nuôi sau hai năm tôi đã bán bớt, chỉ để lại đôi lợn giống để nuôi và tiếp tục tái đàn. Có thêm đồng vốn, tôi lại tập trung vào trồng quế, mỗi năm trừ các khoản chi phí gia đình tôi cũng thu về gần 100 triệu đồng. Đến năm 2020, tôi không những trả được số vốn đã vay, mà còn tự mình tái đầu tư sản xuất và đã thoát được nghèo”.
Gia đình chị Trần Thị Mơ, thôn Làng Câu, xã Tân Hợp cũng là hộ nghèo nhiều năm qua. Đầu năm 2018, thông qua kênh ủy thác của Hội Phụ nữ xã, chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Từ đồng vốn được vay, chị mua quế giống và thuê người trồng quế, số tiền còn lại chị mua thêm gia cầm về nuôi. Đến nay, gia đình chị có hơn 2 ha quế từ 2 - 4 năm tuổi.
Chị Mơ cho biết: "Diện tích quế đến cuối năm nay là tôi có thể tỉa thưa để bán, gà mỗi năm tôi nuôi 2 lứa, mỗi lứa bán hơn 200 con. Mỗi thứ thêm thắt một chút nên cũng có đồng ra đồng vào. Thấy cuộc sống khá hơn, nên đầu năm 2022, gia đình tôi đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo”.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao tiêu chí thu nhập trong XDNTM, thời gian qua, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn xã của huyện Văn Yên luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao và thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động ủy thác vay vốn, phân bổ kế hoạch tín dụng kịp thời đến các thôn, tổ dân phố nên quy mô tín dụng ngày càng mở rộng, suất đầu tư ngày càng tăng. Thời điểm hiện tại, các tổ chức hội đã đứng ra nhận ủy thác vốn vay gần 612 tỷ đồng cho hàng ngàn lượt hội viên hội phụ nữ được vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Ông Lê Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Hạ cho biết: "Việc nâng cao đời sống cho các hộ nghèo và cận nghèo là mục tiêu quan trọng để xã phấn đấu hoàn thành và ra mắt xã NTM vào năm 2022. Bởi vậy, hàng năm, UBND xã luôn chỉ đạo các ngành, đoàn thể rà soát, phân loại đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) của Ngân hàng CSXH huyện nhằm giúp cho người dân sớm tiếp cận nguồn vốn TDCS để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng thu nhập gia đình và ổn định cuộc sống”.
Để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Văn Yên đã triển khai có hiệu quả các chương trình TDCS giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nguồn vốn phát triển kinh tế. Việc đầu tư vốn TDCS đã chú trọng tới chất lượng, vừa thực hiện cho vay đúng đối tượng vừa nâng suất đầu tư đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng của hộ nghèo.
Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát cũng được quan tâm, chú trọng nhằm mục đích nguồn vốn TDCS đến được đúng đối tượng thụ hưởng và sử dụng vốn đúng mục đích. Tính đến 31/5/2022, tổng doanh số cho vay đạt 106.524 triệu đồng, đã cho vay được 2.005 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn cho vay được người dân sử dụng hiệu quả vào kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; phát triển cây lâm nghiệp, chăn nuôi... giúp cho hộ vay vốn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Ông Hoàng Ngọc Giang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Văn Yên cho biết: "Với 15 chương trình TDCS, để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, hàng năm, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo tổ chức Hội nhận ủy thác cấp xã thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn, bình xét cho vay để giải ngân kịp thời hộ vay có nhu cầu vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động ủy thác, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ vay; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho ban xóa đói giảm nghèo, trưởng thôn và tổ chức Hội nhận ủy thác cấp xã để người dân sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng”.
Thanh Tân