Anh Nguyễn Trịnh Huy ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái trồng dưa lê từ năm 2014 theo sự gợi ý của lãnh đạo Trạm Khuyến nông thành phố, nay là Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố. Ra chợ Yên Bái mua giống dưa lê F1 Phú Điền, anh Huy đã trồng lứa đầu tiên trên 1 sào diện tích đất trồng rau của gia đình.
Gieo hạt rồi chăm sóc, trong vòng 70 ngày anh Huy đã thu hoạch 400 kg dưa lê, bán giá bình quân 12.000 đồng/kg cho bếp ăn tập thể, khách quen và cả bán lẻ. Cây dưa lê trồng vào cuối tháng 3 dương lịch, bắt đầu thu quả vào tháng 5 và kéo dài tới tháng 9 vì được trồng gối nhau. Vụ dưa đó, anh lãi 3 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Thực tế anh nhận thấy, trồng dưa lê nhàn hơn lại cho thu nhập cao hơn so với trồng rau mùa hè như: mồng tơi, rau đay… Vì vậy, anh dần mở rộng diện tích qua từng vụ và duy trì trồng dưa lê trên diện tích 10 sào đất trồng rau luân phiên hàng năm từ năm 2019 đến nay.
Đặc điểm của cây dưa lê là không trồng thâm canh trên diện tích đất vừa trồng vụ trước để tránh nấm bệnh có thể xuất hiện, nếu trồng thì phải tốn công xử lý đất. Năng suất dưa lê nhà anh Huy ổn định đạt 400 kg quả/sào. Mặc dù năng suất không tăng, công nhiều hơn, giá phân bón tăng cao hơn nhưng nhờ tận dụng được phân bón từ những lứa rau trước, nhất là giá bán cũng cao hơn, bình quân 25.000 đồng/kg nên anh Huy vẫn có lãi khoảng 6 - 7 triệu đồng/sào/vụ. Thị trường tiêu thụ cũng rất ổn định là lợi thế rất lớn đối với quá trình trồng dưa lê của nhà anh.
Nay không còn bán cho các bếp ăn tập thể nhưng lượng khách quen mua dưa từ năm 2014 đến nay vẫn đặt hàng: "Là mọi người mua ăn rồi mua cho người thân và bạn bè nữa, có nhiều khách đến tận ruộng chọn mua hoặc gọi ship đến nhà. Thậm chí có hôm vừa đăng trên zalo thì hôm sau tôi đã phải gỡ bài xuống vì không đủ dưa để bán” - anh Huy cho biết.
Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau an toàn Âu Lâu được thành lập. Năm 2019, Âu Lâu chọn dưa lê xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” và năm 2020 được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Dưa lê OCOP 3 sao được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-132:2013/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2013. Đạt chuẩn sản phẩm OCOP, dưa lê của HTX cũng như của nhà anh Huy luôn bán được giá cao hơn so với thị trường: nếu dưa bán bình thường khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg thì dưa lê OCOP là 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Theo nhận xét, đánh giá của khách hàng thì dưa lê OCOP giòn, thơm, róc hạt, ít nước, ngọt đậm. Dưa hái ngay tại ruộng luôn tươi, ở nhiệt độ 30oC sẽ giữ được 3 ngày và muốn kéo dài thời gian hơn phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Về độ ngọt, anh Huy cho rằng: "Theo tôi, độ ngọt của dưa lê phụ thuộc 50% vào đất đai, thổ nhưỡng và 50% phụ thuộc vào thời tiết, kỹ thuật chăm sóc”.
Cây dưa lê hay bị nấm gốc nên khâu xử lý đất trước khi trồng giữ vai trò quan trọng nhất trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch bởi bị nấm gốc sẽ hỏng luôn. Hiện nay, sản phẩm dưa lê OCOP 3 sao Âu Lâu có 5 hộ sản xuất trên diện tích 2 mẫu đất. Dưa lê có cái khó là không trồng được thâm canh trên đất vụ trước cũng không thể trồng trái vụ.
Anh Huy hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn Âu Lâu. Về việc mở rộng diện tích trồng dưa, anh Huy cho rằng vừa có thuận lợi vừa có khó khăn nên trước mắt vẫn duy trì quy mô này là phù hợp.
Năng suất ổn định, giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi đã đem lại thu nhập tốt cho gia đình anh Huy và các hộ trồng dưa lê của HTX. Với anh Huy, điều quan trọng nhất là phát huy tốt các điều kiện thuận lợi này để có nguồn thu nhập ổn định cũng như luôn coi trọng chất lượng sản phẩm, giữ thương hiệu bền vững cho dưa lê OCOP Âu Lâu.
Nguyễn Thơm