Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện một số sở ngành, lãnh đạo các, huyện thị, thành phố cùng 12 tổ chức, tập đoàn, công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quế.
Hiện, tỉnh Yên Bái có trên 81.000 ha quế, trong đó có trên 38.000 ha chuyên canh, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên. Diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ đạt hơn 6.700 ha. Năm 2021, sản lượng khai thác quế đạt khoảng 18.061 tấn, gỗ quế tận thu sau khai thác đạt 200.000m3; cành lá quế phục vụ chế biến và xuất khẩu khoảng 85.508 tấn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn với tổng công suất 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu quế/năm; hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình với sản lượng chế biến tinh dầu mỗi năm bình quân từ 300 - 800 kg/cơ sở.
Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Yên Bái thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô vùng nguyên liệu từ 1.000 ha trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án.
Tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển cây quế với diện tích khoảng 80.000 ha; diện tích tập trung chuyên canh khoảng 35.000 ha, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGaps, GlobalGAP, hữu cơ khoảng 2.000 ha.
Tại Hội thảo, các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức tập trung thảo luận về các chính sách hỗ trợ của tỉnh Yên Bái đối với phát triển quế; xu hướng thị trường; các vấn đề về vùng quế và quy trình trồng chăm sóc quế; truy xuất nguồn gốc; các vấn đề quan ngại về tình hình sâu bệnh trên cây quế và nguy cơ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn chứng nhận…
Đồng thời bày tỏ mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp như hỗ trợ chi phí, vùng nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ hạ tầng xây dựng các nhà máy chế biến… Các sở, ngành, địa phương liên quan đã giải đáp, làm rõ các chính sách hỗ trợ của tỉnh Yên Bái đối với việc phát triển cây quế.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước nhấn mạnh: Yên Bái xác định quế là 1 trong 10 loại cây trồng chủ lực và tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao.
Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công nghệ chế biến và quy trình quản lý chất lượng tốt cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm quế. Nhân rộng các mô hình phát triển quế theo hướng thâm canh, sản xuất quế hữu cơ hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc hỗ trợ người dân Yên Bái trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ quế theo hướng hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp có liên kết, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về đất đai và môi trường. Đồng thời đề nghị các tổ chức tư vấn luôn là cầu nối, chia sẻ thông tin để người tiêu dùng, các nhà đầu tư tin tưởng và đồng hành cùng với tỉnh trong việc đầu tư định hướng phát triển chuỗi giá trị quế Yên Bái.
Văn Thông