Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, những năm qua, tỉnh đã chú trọng phát triển sản xuất gắn chế biến nông - lâm, thủy sản với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh theo chuỗi giá trị như: 700 ha dâu tằm, trên 38.000 ha quế, trên 5.000 ha tre măng Bát độ, 90.000 ha gỗ rừng trồng, 5.000 ha chè, 2.610 ha nuôi trồng thủy sản…
Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) từng bước được hình thành và nhân rộng, tạo sự ổn định về đầu ra cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và phục vụ du lịch, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Bà Hoàng Thị Chinh - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Bình - đơn vị chế biến các sản phẩm cá sấy cho biết: Trước đây, cá đánh bắt tự nhiên trên hồ Thác Bà chủ yếu là bán cho thương lái nên dễ xảy ra tình trạng ép giá hoặc không có người thu mua. Với việc chế biến thành các sản phẩm cá sấy, hiện nay, HTX đã thu mua cá trực tiếp cho ngư dân và trung bình mỗi năm thu mua trên 10 tấn cá các loại.
"Với quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, 4 sản phẩm cá sấy của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh, giá trị sản phẩm cũng được nâng lên gấp 8 lần so với cá tươi, được khách hàng tin tưởng sử dụng và trở thành đặc sản mỗi khi du khách đến với Yên Bình” - bà Chinh chia sẻ.
Tuyết sơn trà, Đại lão vương trà, chè Phình Hồ… cũng là những sản phẩm đã làm nên thương hiệu cho cây chè Shan tuyết của tỉnh. Với cách chế biến đặc trưng, các DN, HTX chế biến chè Shan tuyết đã có lượng khách tiêu thụ ổn định; từ đó, mạnh dạn xây dựng các vùng nguyên liệu, ký kết thu mua chè búp tươi cho đồng bào.
Ông Vàng A Lồng ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Những năm gần đây, chè của gia đình tôi được HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng thu mua với giá ổn định; được cán bộ xã hướng dẫn cách chăm sóc để phát triển cây tốt hơn, đặc biệt là cách sản xuất không sử dụng các hóa chất như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ đáp ứng nhu cầu thu mua của HTX. Với hơn 200 gốc chè cổ thụ, mỗi năm gia đình thu về trên 2 tấn chè búp tươi, giá bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nên thu nhập cũng khá”.
Rõ ràng, sự vào cuộc của các DN, HTX chế biến đã thay đổi tư duy làm trà và thu mua chè của người dân để chế biến các sản phẩm bán ra thị trường trong, ngoài nước. Từ một cây chè cổ thụ đã chế biến được đa dạng các loại trà phục vụ sở thích của từng người, từ đậm đến thanh mát...
Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 sản phẩm chè Shan tuyết được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Chè Shan tuyết Suối Giàng đã được đăng ký nhãn hiệu, chè Phình Hồ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chứng nhận hữu cơ… đã giúp cho các sản phẩm chè Shan tuyết của tỉnh không chỉ lan tỏa trong nước mà còn có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức...
Năm 2017, chè Shan tuyết Suối Giàng còn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam...
Những lợi ích của ngành công nghiệp chế biến đã được khẳng định. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ ưu tiên và hỗ trợ các DN đầu tư phát triển công nghiệp chế biến: đầu tư xây dựng mới cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản nuôi trồng trên hồ Thác Bà; xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp công nghệ, thiết bị cho các cơ sở chế biến chè Shan tại các huyện vùng cao và các vùng sản xuất chè xanh chất lượng cao tại các huyện vùng thấp; chế biến gỗ rừng trồng theo công nghệ hiện đại; chưng cất tinh dầu quế.
Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án chế biến tơ tằm, dự kiến sản lượng tơ tằm đến 2025 đạt khoảng 200 tấn; thu hút đầu tư dự án chế biến quả sơn tra để có các sản phẩm như: chè sơn tra, rượu vang sơn tra, sơn tra dầm đóng hộp, thuốc kết hợp các loại thảo dược với sơn tra…; đầu tư các nhà máy chế biến nước quả đóng hộp từ cây có múi…
Đây sẽ trở thành xu hướng chung và cần thiết trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Hoài Anh