Cơ hội đưa sản phẩm đặc sản Văn Chấn bay xa

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/6/2022 | 3:49:21 PM

YênBái - Huyện Văn Chấn tiếp tục tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, để đảm bảo các sản phẩm của địa phương khi đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm sạch và an toàn.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo huyện Văn Chấn thăm mô hình trồng cam tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo huyện Văn Chấn thăm mô hình trồng cam tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Văn Chấn đã hình thành nhiều vùng chuyên canh riêng biệt như: các xã, thị trấn vùng ngoài với vùng cam đặc sản, vùng cao với sản phẩm chè Shan tuyết nổi tiếng, hay sản phẩm mật ong của thị trấn Sơn Thịnh đang dần tạo dựng chỗ đứng trên thị trường. 

Tuy nhiên, để các sản phẩm của huyện Văn Chấn được "bay xa” hơn trên thị trường, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các vùng chuyên canh thì việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của địa phương đang là lợi thế để tăng sức cạnh tranh, tính độc quyền của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Gia đình anh Trần Duy Hiển - thôn Nghĩa Lập Cọ, xã Nghĩa Tâm hiện có trên 2 ha cam Đường Canh và cam V2 đã trồng được trên 6 năm. Với kinh nghiệm trồng cây cam lâu năm, cùng với chịu khó tìm hiểu trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn và các mô hình bạn, nên vườn cam của gia đình anh luôn cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. 

Mặc dù dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp song ngay từ đầu vụ năm 2021 các thương lái đã đến tận vườn thu mua, với giá bán cam Đường Canh dao động trên dưới 25.000đ/kg, cam V2 trên 12.000đ/kg. Vụ cam năm vừa qua, gia đình anh Hiển đã thu hoạch được trên 35 tấn, thu về trên 700 triệu đồng. 

Anh Hiển cho biết: Ngay sau khi thu hoạch hết các diện tích cam, gia đình đã tập trung vào làm cỏ, bón phân, cắt tỉa cành đúng kỹ thuật, thời điểm này, hầu hết các diện tích cam đã cho quả non, hứa hẹn vụ cam năm nay gia đình sẽ có khoản thu lớn.

Cam Văn Chấn được biết đến với mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, tỷ lệ sơ thấp, ít hạt..., từ lâu đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường. Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng trong việc giữ vững thương hiệu "Cam Văn Chấn”, người trồng cam ở địa phương đã quan tâm tới quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, đưa ra thị trường các sản phẩm cam sạch, đảm bảo không có dư lượng thuốc trừ sâu. 

Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, tránh tình trạng được mùa mất giá, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền người dân trồng các giống cam chín sớm, chín muộn, kéo dài thời gian thu hoạch phục vụ nhu cầu của thị trường. Đồng thời, thường xuyên trồng cải tạo, thay thế các diện tích cam già cỗi, năng suất thấp bằng các giống cam có chất lượng, giá trị kinh tế cao. 

Ông Hà Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ: Với mục tiêu nâng cao chất lượng vùng cam, chính quyền địa phương đã rà soát, quy hoạch và cho nhân dân đăng ký các diện tích trồng mới, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tập huấn người dân quy trình chăm sóc đảm bảo tiêu chuẩn, khuyến khích hình thành các mô hình tổ hợp tác, HTX trồng cam. 

Cùng với đó, việc huyện Văn Chấn xây dựng chỉ dẫn địa lý bảo hộ cho các sản phẩm cam của địa phương sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy người dân thêm gắn bó, tăng thêm thu nhập từ cây cam.

Cùng với các sản phẩm cam tại địa phương, huyện Văn Chấn cũng đang củng cố thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương. Qua rà soát, hiện nay, huyện Văn Chấn có khoảng hơn 80.000 cây chè Shan tuyết có trên 200 tuổi, có những cây trên 300 năm tuổi... Trong đó, quần thể 500 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng và thôn Giàng Pằng của xã Sùng Đô được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. 

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, huyện Văn Chấn đã mở rộng các diện tích trồng chè Shan ra các xã vùng cao, vùng thượng huyện; tập trung ở 7 xã gồm: Nậm Búng, Gia Hội, Nậm Mười, Sùng Đô, Suối Quyền, Suối Giàng và xã Suối Bu. 

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam khẳng định: Quần thể cây chè Shan tuyết ở Văn Chấn có nguồn gen quý hiếm trong quần thể 20.000 gen thực vật của Việt Nam, được lọt vào danh sách những nguồn gen quý hiếm của thế giới. 

Ông Đào Đức Hiếu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị không gian Văn hóa trà Suối Giàng Văn Chấn khẳng định: Các sản phẩm chè Shan tuyết được chế biến có chất lượng vượt trội và các đặc tính này được tạo nên bởi hàng loạt các yếu tố về đặc thù, lịch sử phát triển, tập quán canh tác và quan trọng là điều kiện về địa hình, khí hậu. 

"Bên cạnh việc khai thác các sản phẩm chè, chúng tôi đang từng bước chung tay cùng huyện Văn Chấn quảng bá các sản phẩm chè của địa phương tới bạn bè, du khách bốn phương khi tới thăm quan, nghỉ dưỡng tại Suối Giàng. Khi các sản phẩm chè được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì sẽ là động lực quan trọng, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường" - Ông Hiếu nói.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, huyện Văn Chấn đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lập hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 3 sản phẩm nông sản đặc sản gồm: Chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn”; Chỉ dẫn địa lý "Chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể "Mật ong Văn Chấn” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận bảo hộ. 


Đồng bào Mông Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết cổ thụ

Cùng với đó, huyện Văn Chấn cũng phối hợp mở các lớp tập huấn, thiết kế nhận diện, công cụ, máy móc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc QR Code, Webtise quảng bá và giới thiệu các sản phẩm được bảo hộ trên các sàn thương mại điện tử. Sau khi sản phẩm được gắn logo và mang nhãn hiệu riêng biệt, dễ nhận biết đã khẳng định được chất lượng, nguồn gốc và thương hiệu của sản phẩm. 

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - chỉ dẫn địa lý cũng đã giúp các hộ làm nông nghiệp, các công ty, doanh nghiệp, HTX sản xuất trên địa bàn nỗ lực tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản đã đăng ký của huyện Văn Chấn, qua đó nâng tầm giá trị của các sản phẩm chủ lực trên địa bàn".

Có đăng ký nhãn hiệu, có chỉ dẫn địa lý, nhưng để nông sản đặc sản của Văn Chấn có thể mở rộng thị trường, thì việc sản xuất, chế biến các sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn thế giới đang được huyện Văn Chấn và người nông dân hướng đến. Với sự chung tay, vào cuộc của chính quyền địa phương, qua công tác rà soát, quy hoạch hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. 

Trong thời gian tới, huyện Văn Chấn tiếp tục tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, để đảm bảo các sản phẩm của Văn Chấn khi đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm sạch và an toàn.

Tiến Lập

Tags Văn Chấn nông nghiệp đặc sản sở hữu trí tuệ

Các tin khác
Quang cảnh lễ triển khai thi công tuyến kết nối Nghĩa Lộ và cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Sáng 23/6, tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã diễn ra lễ triển khai một đoạn tuyến kết nối thị xã Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Ảnh minh họa.

UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có các biện pháp bình ổn giá phù hợp; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Công nhân Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn chế biến chè đen.

Phát triển nông nghiệp gắn với chế biến được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán “được mùa mất giá” và nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là hướng đi mà tỉnh đang tập trung phát triển trong giai đoạn này.

Người dân tham quan, mua sắm tại gian hàng trưng bày sản phẩm của Yên Bái tại Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022 tại Hà Nội.

Thời gian qua, Sở Công Thương tích cực phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD), kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục