Bứt phá từ đầu năm, dệt may Việt Nam kiên định mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2022 | 2:09:01 PM

Trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp dệt may tiếp tục thích ứng nhanh, kết cấu lại thị trường và thay đổi thiết bị công nghệ nhằm đáp ứng được yêu cầu cao từ các nước nhập khẩu.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) họp báo thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) họp báo thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh.


Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2022 là thời điểm các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021 là nỗ lực lớn của ngành dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 16,94 tỷ USD tăng 19,5% so cùng kỳ; xuất khẩu vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất khẩu xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD tăng 22,3%; xuất khẩu vải không dệt đạt 452 triệu USD tăng 25,5%. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,4 tỷ USD tăng 9,8% so cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng năm 2021.

Năm 2022 toàn ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt 43,5 tỷ USD. Từ nay đến hết năm, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng Covid mới vẫn đang hiện hữu.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… và diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay. Cụ thể, giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây…  làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20% – 25%.

Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, bản thân các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang.

Với mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD trong năm 2022, ông Giang cho rằng, các doanh nghiệp dệt may phải thích ứng nhanh, kết cấu lại thị trường xuất khẩu để không quá phụ thuộc vào một vài thị trường; thay đổi thiết bị công nghệ nhằm đáp ứng được yêu cầu từ các nước nhập khẩu, điển hình như yêu cầu về nhập khẩu sản phẩm tái chế vào thị trường EU.

Được biết, thời gian qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã và đang thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, dần hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may; phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình về năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu, quản lý lao động…

Đặc biệt, Hiệp hội luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh - sạch - bền vững. Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương về vấn đề phòng dịch và sản xuất, thông tin thị trường, chi phí cảng biển, chi phí công đoàn, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

(Theo VOV)

Các tin khác
Nông dân xã Đông Cuông thu hoạch lúa ST25 vụ xuân 2022 bằng máy gặt.

Giống lúa ST25 thích ứng tương đối tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của địa phương. Thành công của mô hình thử nghiệm làm cơ sở dần thay thế giống lúa thuần Chiêm hương đang có chiều hướng giảm về chất lượng.

Hội viên nông dân xã Liễu Đô tham gia trồng các tuyến đường hoa

Đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân (HND) xã Liễu Đô, huyện Lục Yên.

Nông dân huyện Trạm Tấu tu sửa đường giao thông nông thôn

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Hội Nông dân huyenj Trạm Tấu đã triển khai chính sách hỗ trợ từ kinh phí của tỉnh thực hiện 42 mô hình chăn nuôi cho hội viên với số tiền 789 triệu đồng.

Cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên Bắc Yên Bái luôn tận tâm với khách hàng đến giao dịch.

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ chính là huy động nguồn vốn và cho vay đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, phục vụ chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển toàn diện nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả bền vững, Chi bộ Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên Bắc Yên Bái (viết tắt là Agribank Văn Yên) luôn thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục