8 năm trước, gia đình ông Lường Trung Lập ở thôn Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi là hộ đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên đất ruộng tại địa phương này. Mới đầu, ông chỉ trồng gần trăm hom. Đến nay, ông đã mở rộng đầu tư 600 trụ bê tông, trồng hơn 3.000 gốc trên 4.000 m2 ruộng. Trừ mọi chi phí, cây thanh long cho gia đình ông thu trên 200 triệu đồng mỗi năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động.
Ông Lập cho biết: "Cây thanh long ruột đỏ dễ trồng. Trong quá trình chăm sóc, tôi thường xuyên tỉa cành, tạo tán, khoảng một năm rưỡi đã cho thu hoạch. Tuy chi phí ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác, nhưng cây cho khai thác nhiều năm lại không tốn nhiều công chăm sóc. Thích nhất là thanh long ruột đỏ có vị ngọt đậm, tốt cho tiêu hóa nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành ổn định”.
Nhờ trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình ông Lập đã làm được nhà mới, cuộc sống tương đối đủ đầy. Cũng mạnh dạn chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ vài năm nay, gia đình chị Phạm Thị Vy ở thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn hiện có hàng trăm gốc trên diện tích 900 m2 ruộng đang cho thu hoạch và mang về nguồn thu nhập khá ổn.
Chị Vy chia sẻ: "So với trồng cây khác, thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu khá lớn là chi phí làm cọc bê tông rồi vật tư chuyên dùng cho thanh long như: phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật… nên tôi cũng gặp không ít khó khăn. Tôi mong sẽ tiếp tục được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêu thoát nước, nguồn điện chiếu sáng… để cây thanh long cho hiệu quả cao hơn nữa”.
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Theo số liệu thống kê, hiện nay thị xã Nghĩa Lộ có gần 40 ha thanh long. Cây này được trồng nhiều ở xã Nghĩa Lộ và rải rác ở các xã như: Phù Nham, Nghĩa Lợi, Hạnh Sơn, Phúc Sơn. Cây thanh long từ khi trồng đến khi thu hoạch là 15 tháng, thời gian thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Trồng thanh long chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn nhưng dễ trồng, cây ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, cho thu nhập trong nhiều năm”.
Thị trường tiêu thụ của các hộ trồng thanh long chủ yếu ngay tại thị xã Nghĩa Lộ, lên Mù Cang Chải, Trạm Tấu, ra thành phố Yên Bái, đi Hà Nội. Thanh long ruột đỏ bán giá 15.000 - 25.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng là 10.000 - 15.000 đồng/kg và 1 ha thanh long cho thu khoảng 30 tấn quả. Trồng thanh long ở thị xã Nghĩa Lộ bước đầu cho thấy có khả năng thích nghi, sinh trưởng phát triển tốt, cho người dân nguồn thu nhập cao.
Thời gian tới, Nghĩa Lộ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân duy trì diện tích thanh long hiện có, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Thị xã tập trung tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long cho người dân.
Hương Nguyễn