Chia sẻ với phóng viên báo chí, đại diện Vụ thị trường trong nước dự báo những tháng tới, bình quân giá xăng thành phẩm thế giới vẫn biến động bất thường, dao động trong khoảng 145 - 155 USD/thùng, tức tăng 73 - 100% so với cùng kỳ 2021. Trong trường hợp nhà điều hành không trích lập vào Quỹ Bình ổn giá (BOG) giá xăng bán lẻ trong nước sẽ có giá bán dưới 31.700 đồng, còn dầu sẽ dưới 27.100 đồng.
Từ quý IV/2022, giá xăng dầu thế giới được dự báo "hạ nhiệt" về khu vực 110 - 115 USD/thùng. Từ đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm mạnh, về mức 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.
Tương đương với ngưỡng giá dự báo này, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới năm 2022 ở mức 130 - 140 USD/thùng, tăng 66 - 90% so với 2021. Tuy vậy, nhờ các công cụ điều hành từ giảm thuế môi trường, Quỹ BOG...bình quân giá bán lẻ trong nước chỉ tăng khoảng 35 - 39% với xăng, 51% với dầu so với 2021.
Tại kỳ điều hành giá mới nhất, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã giảm giá tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 3.605 đồng/lít, về mức 26.070 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 2.715 đồng/lít, về mức 25.073 đồng/lít.
Tương tự, dầu diesel giảm 1.735 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 24.858 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 1.099 đồng/lít, còn 25.246 đồng/lít. Dầu mazut không cao hơn 16.548 đồng/kg, tương đương mức giảm 1.164 đồng/kg.
Báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp về giá mới đây cho thấy, nửa đầu năm nay, có thời điểm nguồn cung trong nước gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất vào cuối tháng 1.
Để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.
Đồng thời, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định hơn, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẩn trương làm việc, đàm phán với các bên có liên quan để sớm tự giải quyết dứt điểm các vấn đề nội tại trong liên doanh tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Bộ Công Thương đề nghị xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Bộ Công Thương cho rằng xăng là mặt hàng chiếm tỷ trọng khoảng 37% - 40% trong tổng số lượng tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu trên cả nước nên không phải là mặt hàng có lượng tiêu dùng nhỏ, chỉ sau dầu diesel. Mặt khác, xăng lại là mặt hàng có số lượng đối tượng bị tác động lớn nhất do hầu hết người dân đều sử dụng xăng để đi lại (dùng cho xe máy và ô tô dùng xăng, đây là các loại phương tiện đang sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam).
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị cân nhắc xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biết đối với mặt hàng xăng do xăng là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân.
Theo Bộ này, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu (chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít trong mức giá xăng hiện nay) nên việc điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.
Từ những lý do trên, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết và cần sớm thực hiện rà soát, trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của việc giảm giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
(Theo VTC)