Giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm: Áp lực còn rất lớn!

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/8/2022 | 7:51:48 AM

YênBái - Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) đạt 44,4%, Yên Bái là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước. Song, những tháng còn lại của năm 2022, áp lực giải ngân là rất lớn, đặc biệt là hơn 600 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) mới được giao bổ sung.

Dự án cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Văn Tuấn
Dự án cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Văn Tuấn

Trên 44% kế hoạch vốn đã giải ngân

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), hết 31/7, toàn tỉnh giải ngân trên 1.886 tỷ/ 4.249 tỷ đồng, bằng 44,4% kế hoạch vốn giao. Trong đó: nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân trên 436 tỷ đồng/kế hoạch vốn 1.150 tỷ đồng, bằng 37,9%; vốn nước ngoài (ODA) đạt 82 tỷ đồng/388 tỷ đồng, bằng 21,3%; vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương đạt1.147 tỷ đồng, bằng 49,7%; vốn sự nghiệp ngân sách địa phương đạt trên 220 tỷ đồng, bằng 54,7% kế hoạch vốn giao. 

Riêng đối với các nguồn vốn Bộ Tài chính, Bộ KHĐT theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải ngân đạt 1.598 tỷ 092 triệu đồng/kế hoạch 3.366 tỷ 261 triệu đồng, bằng 47%. Với tỷ lệ này, tuy Yên Bái có cao hơn so với bình quân chung cả nước (31%), song lại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và chưa bảo đảm kịch bản giải ngân (kịch bản khoảng 58%). 

Về kết quả giải ngân các đơn vị chủ đầu tư khối huyện, đến nay, các địa phương đã giải ngân trên 968 tỷ đồng trên kế hoạch vốn giao là 1.602 tỷ đồng, đạt 60,4%. Nhiều huyện có tỷ lệ giải ngân cao như: Yên Bình 68,1%, Trạm Tấu 66,5%, Lục Yên 64%. 

Trái ngược với kết quả giải ngân khối địa phương, kết quả giải ngân các sở, ngành mới đạt trên 918,5 tỷ đồng, bằng 34,5% kế hoạch. 

Một số đơn vị chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đạt 34,4%; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đạt 37,4%); Sở Tài nguyên và Môi trường (đạt 9%); Sở Giáo dục và Đào tạo (đạt 31,7%); Sở Y tế (đạt 16,6%); Sở Công Thương (đạt 22,1%)... 

Nguyên nhân là do một số đơn vị chủ đầu tư chưa nỗ lực đẩy mạnh công tác giải ngân; thủ tục đầu tư và vướng mắc giải phóng mặt bằng là 2 điểm nghẽn lớn nhất, cho dù công tác giải phóng mặt bằng đã được quan tâm. 

Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, nên một số dự án còn chậm (đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường quốc lộ 32C - quốc lộ 37 với đường Yên Ninh...); một số dự án lớn, quy mô phức tạp, có tính chất đặc thù nên thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian; một số dự án liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nên công tác đánh giá hiện trạng rừng phải trình qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình xin ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ nên thời gian sẽ kéo dài; do đó, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh. 

Áp lực giải ngân còn rất lớn

Theo các chuyên gia kinh tế, cứ thêm 1% VĐTC sẽ góp phần tăng GDP thêm 0,06%. Điều này, còn đặc biệt quan trọng trong giai đoạn mà nền kinh tế có những thách thức lớn về tăng trưởng như: dịch bệnh, căng thẳng từ các xung đột trên thế giới, lạm phát tăng cao. 

Mục tiêu giải ngân VĐTC mà tỉnh đặt ra đến hết quý III/2022 đạt tối thiểu 75%. Tuy nhiên, do mới giao bổ sung vốn CTMTQG (635,428 tỷ đồng), dự kiến trong quý III sẽ được trung ương bổ sung 375 tỷ đồng; do đó, áp lực giải ngân trong thời gian tới là rất lớn. 

Để bảo đảm kịch bản giải ngân theo yêu cầu, Sở KHĐT đề nghị, các đơn vị nghiêm túc thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 321-KL/TU ngày 21/3/2022 và Kết luận số 345-KL/TU ngày 20/5/2022 của Thường trực Tỉnh ủy, Thông báo số 26/TB-VP ngày 18/3/2022 của Văn phòng UBND tỉnh, Văn bản số 408/UBND-XD ngày 18/02/2022 của UBND dân tỉnh và các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch thực hiện các CTMTQG. 

Trong đó, các địa phương chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt đối với các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. 

Cùng đó, Sở KHĐT sẽ phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh rà soát các đơn vị có kết quả giải ngân thấp, chưa đáp ứng yêu cầu để điều chỉnh giảm kế hoạch vốn; đồng thời, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, có nhu cầu bổ sung. Để giảm áp lực cho công tác giải ngân; đồng thời, bảo đảm tăng trưởng của tỉnh, tạo năng lực mới cho đầu tư, Sở KHĐT đã tham mưu với cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung danh mục khởi công mới năm 2022 một số dự án quan trọng. 

Do đó, các dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn có tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tốt, cấp thiết cần khởi công, sẽ được tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn để khởi công. 

Đồng thời, để giải ngân hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương, bao gồm cả số dự kiến bổ sung, đề nghị các đơn vị chủ đầu tư có dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương cần tập trung, nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong việc đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân vật lực để triển khai thực hiện. 

Trường hợp cần thiết, yêu cầu bổ sung nhà thầu phụ; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; phối hợp với các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép thực hiện các hạng mục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tạo điều kiện và có khối lượng thực hiện để giải ngân kế hoạch VĐTC. 

Đối với các dự án thuộc các CTMTQG, các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện; trường hợp có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chủ trì CTMTQG bám sát các bộ chủ quan để bảo đảm triển khai thực hiện ngay sau khi có hướng dẫn cụ thể.
Thông Nguyễn

Tags Yên Bái giải ngân vốn đầu tư công tiến độ xây dựng Thường trực Tỉnh ủy

Các tin khác
Các sản phẩm OCOP huyện Yên Bình mang lại nguồn thu cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. (Ảnh: Minh Huyền)

Năm 2022, huyện Yên Bình được tỉnh giao kế hoạch thu ngân sách trên địa bàn là 330 tỷ đồng, huyện phấn đấu thu 376,4 tỷ đồng.

Số thuế thu được từ xe nhập khẩu dưới dạng biếu tặng năm 2021 tăng đột biến, Tổng cục Hải quan nói không phát hiện ra gian lận

Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế địa phương chuyển thẳng hồ sơ sang công an các vụ có dấu hiệu vi phạm liên quan đến nhập ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại.

Đến nay, Yên Bái có 13 sản phẩm thuộc ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng được công nhận sản phẩm OCOP (Trong ảnh: Du khách trải nghiệm dịch vụ của cơ sở Mương Lo Famstay, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ)

Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022, thực hiện các thủ tục cần thiết để đánh giá sản phẩm tiềm năng đủ điều kiện công nhận trong năm 2022.

Sản phẩm Miến đao xã Quy Mông, huyện Trấn Yên được trưng bày tại Lễ ký kết và sẽ được đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn. (Ảnh: Mạnh Cường)

Sau trong 2 năm triển khai hoạt động thương mại điện tử, đến nay, Yên Bái đã có 276 doanh nghiệp được đưa lên sàn thương mại Voso.vn với 940 sản phẩm đặc trưng, trong đó có 138 sản phẩm OCOP.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục