Tuyến đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) có chiều dài gần 69 km được xây dựng theo quy mô đường cấp IV miền núi, tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng được chính thức khởi công ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2022 trong niềm vui của nhân dân các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết: "Công trình đường kết nối liên vùng giữa các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án hiện thực hóa 1 trong 3 đột phá chiến lược của Yên Bái trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra, đưa Yên Bái "trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”; xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.
Cũng như tuyến đường kết nối Mường La - Than Uyên - Tân Uyên - Mù Cang Chải - Văn Chấn - Văn Yên với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường nối quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15), tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là tuyến đường kết nối liên vùng giữa các xã Gia Hội, Nậm Búng, Sơn Lương, Tú Lệ (huyện Văn Chấn) và các xã Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Đông An (huyện Văn Yên) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông từ phía Tây sang phía Đông của tỉnh mà người dân Yên Bái hằng mong đợi.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: "Công trình đường nối quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của hai huyện Văn Chấn, Văn Yên và tỉnh Yên Bái. Công trình sau khi được đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện để các địa phương phía Tây của tỉnh và các địa phương trong khu vực tăng cường khả năng kết nối, dễ dàng tiếp cận với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đẩy mạnh thông thương cho các vùng trong tỉnh với các tỉnh lân cận như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, đồng thời phá thế độc đạo về giao thông miền núi Tây Bắc”.
Với lợi thế địa lý là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đầu mối giao thông, trung tâm kết nối giao thương với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng, có nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh trong vùng nên tỉnh Yên Bái có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để tăng cường hợp tác, liên kết đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông vận tải.
Những năm gần đây, hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh và đường đô thị không ngừng được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Riêng đường quốc lộ, từ 2012 đến nay, đã thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thành tuyến quốc lộ 32, đoạn Nghĩa Lộ - Vách Kim theo quy mô đường cấp IV miền núi; đang tiếp tục đầu tư nâng cấp quốc lộ 37 đoạn từ Km280 - Km340 theo quy mô đường cấp IV miền núi; nâng cấp quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương - thành phố Yên Bái theo quy mô đường cấp IV + đường đô thị cấp khu vực.
Đối với hệ thống đường tỉnh và đường đô thị từ năm 2012 đến nay, Yên Bái đã tập trung các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thành nhiều tuyến đường tỉnh, đường đô thị quan trọng, tiêu biểu như: Dự án đường tránh ngập thành phố Yên Bái, đoạn nối Trung tâm Km5 - quốc lộ 32C (nay là đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái); đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tỉnh Yên Bái; Dự án đường Yên Bái - Khe Sang, đoạn Yên Bái - Trái Hút.
Dự án đầu tư xây dựng đường từ Mường La, tỉnh Sơn La đến Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và những cây cầu lớn vượt sông Hồng như: cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cầu Tuần Quán, cầu Cổ Phúc, cầu Giới Phiên. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện đầu tư các dự án công trình giao thông trên địa bàn tỉnh (không bao gồm các dự án do các bộ, ngành trung ương làm chủ đầu tư) trong giai đoạn từ năm 2012 - 2020 là trên 20.000 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 trên 19.000 tỷ đồng.
Giờ đây, đi trên những con đường hiện đại, khang trang, sạch đẹp, người dân Yên Bái không khỏi tự hào khi nhiều dự án đường, cầu lớn đã được đầu tư và đưa vào khai thác, mở ra nhiều cơ hội thông thương, phát triển mới.
Kết thúc năm 2021, Yên Bái đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 17 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 7,11%, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.383 tỷ đồng, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố.
Những tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng GRDP dự ước cả năm 2022 đạt 8,05%, cao hơn 0,94 điểm phần trăm so với năm 2021; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 31,1%, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 39,8%... Đó là những tiền đề, dấu mốc quan trọng để Yên Bái vươn xa.
Đến hết năm 2021, mạng lưới giao thông đường bộ có chiều dài 9.353,5 km, gồm: 80,5 km đường cao tốc, 400km đường quốc lộ, 454 km đường tỉnh, 329 km đường đô thị, 8.090 km đường giao thông nông thôn và đường chuyên dùng. Tốc độ phát triển mạng lưới đường bộ tăng 48,7% so với năm 2012 và tăng 9,6% so với năm 2015.
|
Văn Tuấn