Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Văn Yên góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2022 | 8:05:48 AM

YênBái - Toàn huyện Văn Yên đã có trên 16.468 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển kinh tế gia đình; từ đó, giúp cho 11.968 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn năm 2021 còn 2,43% theo tiêu chí cũ, đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên kiểm tra việc vay vốn phát triển chăn nuôi tại xã Yên Hợp.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên kiểm tra việc vay vốn phát triển chăn nuôi tại xã Yên Hợp.


Với vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đến với người nghèo và các đối tượng chính sách (ĐTCS) xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Văn Yên đã bám sát chương trình, mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Trước đây, gia đình chị Dương Thị Thùy, thôn Quyết Tiến, xã Xuân Ái cuộc sống vô cùng khó khăn, dù có đất canh tác, song thiếu vốn để phát triển sản xuất. Năm 2018, chị được vay 45 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay dân tộc thiểu số của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên, thời hạn vay 5 năm. Từ nguồn vốn này, chị Thùy mua quế giống về trồng, làm nhà xưởng chế biến gỗ rừng trồng. 

Nhờ biết tính toán quay vòng đồng vốn, đến nay, gia đình chị đã có 4 ha quế từ 3 - 5 năm tuổi và một xưởng chế biến gỗ rừng trồng tạo việc làm ổn định cho 4 lao động thời vụ và tổng thu nhập của gia đình chị Thùy mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng. 

Chị Thùy cho biết: "Lúc đầu, tôi tập trung trồng và chăm sóc 4 ha quế, sau gần 4 năm tôi tỉa thưa để bán. Có thêm đồng vốn, tôi đầu tư mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng, ban đầu gia đình tự làm; sau đó, khối lượng công việc nhiều nên tôi thuê thêm lao động. Đến nay, tôi đã trả hết số tiền vay và thoát nghèo trở thành hộ khá”. 

Gia đình anh Đặng Văn Cường, dân tộc Tày, thôn Phúc Thành, xã Đại Phác cũng được vay 40 triệu đồng năm 2019 từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên. Với số tiền được vay, anh Cường đầu tư trồng quế và thu mua quế vỏ về sơ chế để bán. 

Sau nhiều năm nỗ lực phát triển, mở rộng mô hình, đến nay, gia đình anh đã có 3 ha quế 4 năm tuổi và mỗi năm thu mua chế biến hàng chục tấn quế vỏ các loại. Thu nhập bình quân của gia đình anh mỗi năm gần 200 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình anh đã trở thành hộ khá. 


Để phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Đại Phác tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với các thôn khảo sát, thống kê đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn TDCS để vươn lên thoát nghèo. 

Nhờ đó, đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn xã đạt trên 22 tỷ đồng, với 500 lượt hộ được vay vốn. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2021 xuống còn 1,7% theo tiêu chí cũ, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng. 

Ông Hoàng Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: "Căn cứ mục tiêu giảm nghèo hàng năm, UBND xã chỉ đạo các tổ tiết kiệm vay vốn, các đoàn thể giám sát, phối hợp chặt chẽ các hộ được vay vốn đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng để đồng vốn sinh lời và phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”. 

Với mục tiêu đưa đồng vốn TDCS đến với người nghèo và các ĐTCS, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên đã triển khai các điểm giao dịch tại 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn với 372 tổ tại 172 thôn, tổ dân phố là cầu nối giữa ngân hàng và người vay, nên 100% số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đủ điều kiện có nhu cầu được tiếp cận với nguồn vốn TDCS. Từ đó, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm, nhất là chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững. 

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 31/10/2022, thông qua các chương trình TDCS, toàn huyện đã có 3.089 hộ nghèo, cận nghèo và các ĐTCS khác được vay vốn với số tiền 176,8 tỷ đồng. Vốn TDCS đã góp phần tạo việc làm cho 582 lao động địa phương. 

Ông Hoàng Ngọc Giang - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên cho biết: để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đơn vị đã chỉ đạo các tổ tiết kiệm vay vốn phối hợp chặt chẽ với các địa phương khảo sát, phân loại, đánh giá, thẩm định để giải ngân vốn đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các ĐTCS khác. 

Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có trên 16.468 hộ nghèo và các ĐTCS khác được vay vốn phát triển kinh tế gia đình; từ đó, giúp cho 11.968 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, góp phần cùng huyện Văn Yên giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn năm 2021 còn 2,43% theo tiêu chí cũ, đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện. 

Thanh Tân

Tags Văn Yên Ngân hàng Chính sách mục tiêu giảm nghèo bền vững thoát nghèo

Các tin khác
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra mô hình nuôi dúi thương phẩm của gia đình ông Vũ Văn Hậu ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi từ các nguồn lực của tỉnh lồng ghép với hỗ trợ của trung ương hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, tạo động lực để nông dân đổi mới tư duy, tiên phong sản xuất, nông nghiệp (SXNN) theo hướng hiện đại...

Sáng nay - 11/11, Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân tỉnh Yên Bái - năm 2022 diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe tiếng nói của nông dân, kịp thời tháo gỡ những “nút thắt” trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Báo Yên Bái đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ những vướng mắc về đất đai, cơ sở hạ và những khó khăn vướng mắc khác…

Chính quyền Trịnh Châu ghi nhận 1.228 ca mắc hôm 9-11.

Trung Quốc đang gia tăng các biện pháp phòng dịch COVID-19 ở khu sản xuất Quảng Châu, đóng cửa trường học và mở rộng phong toả sau nhiều ngày không ngăn chặn được đợt bùng phát dịch.

Trước kỳ điều hành giá, một số cây xăng ở Hà Nội đóng cửa không bán hàng hoặc bán nhỏ giọt khiến nhiều người tiêu dùng phải rất vất vả mới mua được xăng.

Đại diện doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá bán lẻ tại kỳ điều hành ngày 11/11 tiếp tục tăng, khi các chi phí định mức được điều chỉnh để tính vào giá cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục