Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên được thành lập năm 2017 với 23 thành viên chính thức và hơn 700 hộ nông dân ký kết tham gia. Bình quân mỗi tháng, HTX thu mua khoảng 100 tấn quế tươi để sản xuất 12 sản phẩm quế các loại như: quế bột, quế tăm, quế điếu thuốc, tinh dầu quế… xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc….
Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết: "Sản xuất quế sạch, an toàn, thân thiện với môi trường là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển nông - lâm nghiệp hiện nay. Đây cũng là cơ hội, động lực để người dân nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu quế Đào Thịnh vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế”.
Hiện, xã Đào Thịnh có hơn 800 ha quế thì có hơn 500 ha quế được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài việc chọn giống quế chuẩn có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, cây sạch bệnh thì trong quá trình trồng, chăm sóc đã được áp dụng phương pháp canh tác đặc biệt, đó là không phun thuốc trừ cỏ mà tiến hành phát cỏ; không bón phân hóa học khi cây quế từ 4-5 tuổi trở lên, đặc biệt không tỉa cành để đảm bảo lượng tinh dầu không giảm sút. Khi quế được 4-5 tuổi thì tiến hành tỉa thưa để lại những cây to, khỏe chăm sóc để thu hoạch quế vỏ; thời gian này cũng không tỉa cành lá để khi cây được từ 7-10 năm tuổi thì tiến hành thu hoạch toàn bộ.
Cùng với đó, nông dân xã Đào Thịnh còn được Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tài trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến quế theo hướng hữu cơ nên sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đến đâu tiêu thụ hết đến đó với sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi năm tăng từ 5 - 10%.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Tính đến thời điểm này, Yên Bái có khoảng 81.200 ha quế. Trong đó, diện tích tập trung, chuyên canh vào khoảng 38.000 ha. Cùng với định hướng phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ đạt hơn 6.705 ha tại hai huyện Văn Yên và Trấn Yên.
Cũng theo ông Điển, Yên Bái đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025.
Chẳng hạn, đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, tỉnh hỗ trợ 100% chi phí đánh giá xác định vùng nguyên liệu, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, cơ chế hợp tác liên kết giữa cơ sở chế biến với hộ trồng quế và chính quyền địa phương, hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận; hỗ trợ 100% chi phí đánh giá cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ cho diện tích sản xuất; hỗ trợ 100% chi phí thiết kế mẫu và mua tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước và nhiều nội dung hỗ trợ khác theo quy định.
Thời gian qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng đặc sản, hữu cơ tùy vào điều kiện của từng vùng sản xuất. Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy cũng xác định ưu tiên các nguồn lực để mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, hỗ trợ cấp chứng chỉ hữu cơ quốc tế; hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất để hướng đến xuất khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản.
Tùy theo từng vùng sản xuất, tỉnh xác định triết lý phát triển nông nghiệp phù hợp nhằm phát huy tối đa điều kiện đặc thù của từng vùng, nâng cao giá trị sản xuất, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Bí thư Tỉnh ủy
Đỗ Đức Duy cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là giải pháp duy nhất để gia tăng giá trị trên một đơn vị canh tác do không thể mở rộng được diện tích hay năng suất cây trồng. Nhận thấy tiềm năng lợi thế của địa phương cũng như xu thế phát triển hiện nay, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người nông dân liên kết với các doanh nghiệp, HTX để cùng tham gia vào các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước hết là phát triển các vùng nguyên liệu theo quy trình hữu cơ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiếp cận với các tổ chức quốc tế chứng nhận các sản phẩm đó đạt tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm đó ra thị trường quốc tế.
Có thể khẳng định, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Yên Bái đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế như sản phẩm quế, sản phẩm chè với giá trị gia tăng cao gấp 2,5 lần so với trước.
Yên Bái đang hướng đến mục tiêu xây dựng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không chỉ tiếp cận ở góc độ sản lượng hay sản vật thông thường mà phải tiếp cận các sản phẩm đó mang yếu tố về văn hóa, nhất là văn hóa mang tính chất cộng đồng, văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm hữu cơ không chỉ là "chìa khóa” đưa nông sản Yên Bái mà còn đưa cả văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Yên Bái ra thế giới.
Mạnh Cường