Ở Yên Bái, nguồn vốn tín dụng chính sách phần lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cải thiện cuộc sống để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ 2 chương trình tín dụng chính sách năm 2003 với dư nợ 173 tỷ đồng, đến nay, Yên Bái triển khai thực hiện 17 chương trình với dư nợ 4.017,8 tỷ đồng gần như phủ kín các chiều về giảm nghèo: cho vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đi học, đào tạo nghề; vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh; vay vốn để xây dựng nhà ở.
Trong 20 năm, đã có 443.463 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với gần 9.800 tỷ đồng. Có 45 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải năm 2016, ông Giàng Vảng Hờ, dân tộc Mông ở bản Dào Xa, xã Kim Nọi mua 1 con trâu, 1 con bò giống về nuôi. Nơi ông sinh sống có đồng đất rộng, có bãi chăn thả lớn nhưng ông vẫn trồng thêm cỏ, cất trữ rơm rạ cho đàn gia súc ăn thêm.
Sau 5 năm, vừa trả hết gốc vừa trả hết lãi cho ngân hàng, nhà ông còn 3 con trâu, 4 con bò làm giống và đã được xét thoát khỏi diện hộ nghèo của địa phương. Những gia đình như hộ ông Giàng Vảng Hờ cho thấy hiệu quả của công cuộc giảm nghèo không chỉ là tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm mà còn ở mức sống bình quân của hộ nghèo đã được nâng lên.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái mỗi năm từ 3 - 4%, giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 32,2% xuống còn 7,04% và đến năm 2021 giảm còn 4,76% hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Không ngừng mở rộng địa bàn để hoạt động hiệu quả, mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái hiện có 173 điểm giao dịch tại 173 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh với 2.309 tổ tiết kiệm và vay vốn. Mở rộng mạng lưới tới 100% thôn, bản, tổ dân phố toàn tỉnh, tín dụng chính sách đã đảm bảo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi vùng nông thôn.
Gia đình bà Đinh Thị Siêng, thôn Ả Thượng, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ nhờ được vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng năm 2014 để nuôi trâu đã thoát nghèo. Năm 2020, bà trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã. Cuối năm 2020, bà mạnh dạn vay tiếp 50 triệu đồng nguồn vốn chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư phương án sản xuất, kinh doanh mới và đến nay đã phát triển được 5 con trâu và bò, trên 1.000 con chim bồ câu, trên 200 con lợn, gà, vịt.
Bà Siêng cho biết: "Để có cuộc sống như hôm nay, cùng với cố gắng vươn lên của gia đình tôi thì điều quan trọng là có sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách ưu đãi của Chính phủ. Gia đình tôi thật sự cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các cấp, các ngành địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Nghĩa Lộ!”.
Lời cảm ơn của bà Đinh Thị Siêng là tình cảm chung của 124.899 lượt hộ vay vốn chính sách đã thoát nghèo, 26.955 lao động được tạo việc làm mới, 1.635 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, 9.165 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở…
Lời cảm ơn của bà Đinh Thị Siêng cũng là tiếng nói chung của các đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách và thể hiện sự thay đổi rõ nét về nhận thức, tư duy kinh tế từ quen được Nhà nước trợ cấp, cho không đã chủ động, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm, trả nợ gốc và lãi… Đến tháng 8/2022, tỷ lệ hộ nghèo trả nợ đúng hạn đạt trên 99%, trả lãi đúng hạn đạt 99,9%.
Song hành quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái suốt 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách thiết thực góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đưa Yên Bái trở thành một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới trong khu vực Tây Bắc. Hành trình này tiếp tục chung sức xây dựng địa phương phát triển nhanh và bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân các dân tộc Yên Bái với Đảng, Nhà nước.
Nguyễn Thơm