Là người có thâm niên trồng rừng, năm nào cũng vậy, ngay sau khi ra tết, gia đình ông Sùng Tồng Blua ở thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh lại lên đồi trồng cây. "Hàng năm sau khi khai thác, gia đình tập trung nhân lực đào hố, bón phân lót để trồng hơn 2,5 ha cây quế. Nhờ trồng rừng, cuộc sống của gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu” - ông Blua chia sẻ. Vụ xuân này, xã Cát Thịnh có kế hoạch trồng 200 ha, chủ yếu là cây quế và keo.
Đồng chí Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng vụ xuân, từ trước tết Nguyên đán, xã đã họp và chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân bố trí thời gian hợp lý để trồng rừng. Nhờ vậy, đến nay toàn xã đã trồng được trên 60 ha, số còn lại phấn đấu trồng trong quý II”.
Hiểu được lợi ích từ việc trồng rừng mang lại, hàng trăm hộ dân ở xã Đại Lịch sau khi thác gỗ rừng trồng đang tích cực xử lý thực bì, cuốc hố. Đồng chí Bùi Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho biết: "Tuy đã thành nếp nhưng hàng năm, xã chỉ đạo nhân dân ở các thôn thực hiện tốt các khâu như tuyển chọn giống, làm đất, trong đó khuyến cáo người dân mua cây giống tại các cơ sở được cấp phép, tuyệt đối không mua cây trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng. Nhờ vậy, đến nay, toàn xã trồng đạt 33,5/170 ha, trong đó trồng tập trung 18,5 ha, phân tán 15 ha”.
Trạm Kiểm lâm Chấn Thịnh, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hiện đang quản lý trên địa bàn 4 xã: Chấn Thịnh, Bình Thuận, Đại Lịch, Tân Thịnh với tổng diện tích tự nhiên 17.604,9 ha. Diện tích có rừng là 9.403,79 ha. Trong đó: rừng tự nhiên 4.861,31 ha; rừng tự nhiên phòng hộ 2.606 ha, rừng tự nhiên sản xuất 2.258,31 ha, rừng trồng sản xuất 4.539,48 ha. Để đảm bảo tiến độ kế hoạch trồng rừng hàng năm, từ trước tết, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, chủ rừng chủ động giống cây, phân để trồng rừng.
Đồng chí Nguyễn Đức Thiện - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Chấn Thịnh cho biết: "Để đảm bảo tiến độ kế hoạch trồng rừng hàng năm, Trạm đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng thôn, tuyên truyền vận động người dân, tổ chức tích cực trồng và chăm sóc rừng. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng xử lý thực bì sau khai thác, chuẩn bị đất, cây giống có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo trồng rừng đạt kế hoạch được giao; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đất rừng”.
Năm 2023, huyện Văn Chấn đặt mục tiêu trồng 3.200 ha rừng, tập trung chủ yếu là quế, keo, bồ đề, mắc ca… Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng vụ xuân, ngay từ cuối năm 2022, huyện đã giao chỉ tiêu trồng rừng cụ thể cho từng xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo trồng rừng sản xuất theo phương châm: trồng hết diện tích, trồng phân tán kết hợp với trồng tập trung, trồng đảm bảo kỹ thuật, khai thác đến đâu, trồng mới đến đó; kết hợp trồng rừng với khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Cùng với đó, huyện Văn Chấn chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống cơ sở tích cực đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng rừng; thành lập đoàn kiểm tra về hồ sơ giống, nguồn gốc hạt giống, kiểm kê công tác gieo ươm tại các cơ sở sản xuất cây giống trước khi xuất vườn, nhằm đảm bảo chất lượng.
Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Văn Chấn cho biết: "Ngành kiểm lâm huyện Văn Chấn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai và phổ biến kế hoạch trồng rừng năm 2023 tới từng thôn bản, người dân; tuyên truyền, vận động người dân trồng cây lâm nghiệp xã hội, các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, phấn đấu năm nay trồng hoàn thành 3.200 ha. Đến nay, toàn huyện trồng được hơn 1.230,2 ha. Tất cả do người dân tự bỏ vốn, trong đó, trồng rừng tập trung 458,1 ha và trồng rừng phân tán 772,1 ha”.
Văn Tuấn