Nói tại Diễn đàn bất động sản mùa Xuân ngày 11/3, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đưa ra nhiều nguyên nhân khiến thị trường khó khăn kéo dài. Thứ nhất, ông đánh giá Nghị định 08 vừa được Chính phủ ban hành chỉ có thể giúp thị trường khỏi sụp đổ chứ chưa thể cứu được toàn bộ thị trường trái phiếu và niềm tin của nhà đầu tư.
Ông cũng cho rằng Nghị định này chưa quy định cụ thể và bảo vệ trái chủ một cách tốt nhất. Trong khi đó, năm nay, một lượng lớn trái phiếu sẽ phải đáo hạn. "Chúng tôi muốn kiến nghị đưa ra room trong việc phát hành trái phiếu. Còn bệnh của doanh nghiệp là quá tham, sức có một nhưng làm đến 10", ông nói.
Tiếp theo là tín dụng của ngân hàng vào bất động sản đã giảm nhiều so với trước khiến doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ việc đi vay, thậm chí còn sợ vay. Cuối cùng, về pháp lý, ông cho biết doanh nghiệp đang rất cẩn trọng vì không chắc chắn ba luật gồm Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản được sửa tới đây sẽ "cởi hay trói họ".
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, có chung nhận định khi cho rằng tình trạng khó khăn sẽ tiếp diễn trong một thời gian nữa. Ông đặt câu hỏi về khả năng bắt kịp của các nghị định, thông tư hướng dẫn nếu Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản được thông qua, có hiệu lực trong 6 tháng sau. Do vậy, ông nói, các doanh nghiệp phải xác định đây là việc lâu dài chứ không thể xong ngay.
Bên cạnh đó, ông cho biết dù Tổ công tác đặc biệt có nhiều động thái giúp gỡ khó cho thị trường, bản thân họ cũng chưa đủ quyền hạn giải quyết nhiều việc do phải đối mặt với các vấn đề vượt thẩm quyền liên quan đến quy định của pháp luật.
"Có lẽ Tổ công tác phải có quyền hạn nhất định hơn nữa, đặc biệt phải làm việc trực tiếp với doanh nghiệp ở các vùng miền", ông Chiến nêu.
Để phục hồi thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng Nhà nước lúc này cần có ngay những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mà Ngân hàng Nhà nước công bố, vốn được xem là liều thuốc bổ với thị trường.
Ông cũng đề xuất, ngoài vốn cho nhà ở xã hội, Nhà nước cần lưu ý đến các dự án bất động sản ở tầm trung, cao cấp, đang giai đoạn gần hoàn thành nhưng bị tắc nghẽn vì cạn tiền. Nếu được giải tỏa, điều này sẽ kích thích nguồn cung trên thị trường, mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định.
Về phía doanh nghiệp, theo ông bản thân họ cần có các phương án tái cấu trúc phù hợp với nền kinh tế và khả năng nguồn lực. Đồng thời, doanh nghiệp phải cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền giúp tái khởi động.
"Doanh nghiệp cũng nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp", ông Đính nói. Vì đây là dòng sản phẩm được đánh giá sẽ tạo ra ổn định, bền vững lâu dài hơn cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, ông lưu ý nên xây dựng các phương án trả nợ, phát hành, đặc biệt là lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Chung quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư cũng là cách doanh nghiệp tự cứu lấy mình, bên cạnh những động thái hỗ trợ của Chính phủ.
Theo đó, doanh nghiệp phải có các hành động cụ thể như trả lãi vay đúng hạn cho trái chủ bằng nhiều cách khác nhau và chủ động đàm phán với họ. "Nghị đinh 08 chỉ cho lùi 2 năm, nhưng nếu trái chủ tin tưởng doanh nghiệp, họ sẵn sàng cho doanh nghiệp lùi 5-7 năm, thậm chí 10 năm. Luật pháp cũng ko hề cấm điều này", ông chia sẻ.
(Theo VnExpress)