Gia đình ông Sùng A Lổng trước đây là hộ nghèo của thôn Tà Ghênh, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Năm 2016, được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân xã và đặc biệt là tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở thôn, gia đình ông được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu, bò.
Từ hộ nghèo, nhờ được vay vốn và chí thú làm ăn, đến nay, gia đình ông Lổng phát triển được đàn trâu, bò 11 con, chăn nuôi lợn gà các loại với thu nhập ổn định trên 80 triệu đồng mỗi năm. Sủng A Lổng chỉ là một trong số hàng nghìn hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội được tiếp cận nguồn vốn TDCS để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Hoàng Đình Huân - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu cho biết: Những năm qua, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức CTXH nhận ủy thác thực hiện tốt các chương trình TDCS đến hộ nghèo và các ĐTCS khác, nguồn vốn TDCS được giải ngân nhanh chóng kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đến hết năm 2022, dư nợ ủy thác qua các tổ chức CTXH đạt 231.542 triệu đồng chiếm tỷ trọng 97,8% trên tổng dư nợ với 4.675 hộ vay vốn còn dư nợ.
Một trong những đặc thù hoạt động của NHCSXH chính là phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức CTXH. Các tổ chức CTXH bằng mạng lưới cơ sở của mình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, thôn, bản sẽ đảm nhận các công đoạn từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi; thành lập tổ TK&VV và kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của tổ TK&VV; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tập huấn nghiệp vụ ủy thác; kiểm tra đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.
NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái hiện ký kết ủy thác với 4 tổ chức CTXH cấp tỉnh, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Mạng lưới ủy thác thông qua hợp đồng ủy nhiệm với 2.309 tổ TK&VV tại các thôn, bản đảm nhận toàn bộ nghiệp vụ của ngân hàng trực tiếp với người dân.
Đến nay, mạng lưới làm công tác ủy thác đã phủ kín 100% các thôn, bản, tổ dân phố để chuyển tải nguồn vốn TDCS của Chính phủ đến với đối tượng sử dụng; đồng thời, quản lý một cách chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn TDCS. Từ đầu năm tới nay, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã cùng với các tổ chức CTXH phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các bước trong quy trình chuyển tải vốn TDCS đến hộ nghèo và các ĐTCS khác. Đến 31/3/2023, dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể là 4.257,6 tỷ đồng, chiếm 99,66% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao và nợ quá hạn 2,08 tỷ đồng, chiếm 0,05% dư nợ ủy thác.
Thông qua phương thức cho vay ủy thác, hộ nghèo và các ĐTCS trên địa bàn đã dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn TDCS để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, từng bước thoát nghèo. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới ủy thác cũng như nâng cao trình độ quản lý vốn vay của cán bộ hội cấp cơ sở và ban quản lý tổ TK&VV, hàng năm, các cấp hội đã phối hợp với NHCSXH tập huấn cho 100% cán bộ hội cơ sở, ban quản lý tổ TK&VV về kỹ năng lập hồ sơ, sổ sách, kỹ năng quản lý nguồn vốn nhận ủy thác, công tác kiểm tra, giám sát, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc thường gặp phải trong quản lý nguồn vốn.
Đặc biệt, thông qua phương thức cho vay ủy thác các tổ chức CTXH có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình TDCS với các chương trình: khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả vốn TDCS, hoạt động của tổ chức hội được mở rộng, phong phú, uy tín của hội, đoàn thể được nâng lên; từ đó, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao và phát huy tốt vai trò của các tổ chức CTXH nhận ủy thác để thực hiện đầy đủ, chất lượng các nội dung ủy thác đã ký kết. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nâng cao chất lượng hoạt động TDCS xã hội. Qua đó, giúp người nghèo và các ĐTCS sử dụng vốn hiệu quả để vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững.
Văn Thông