Thành phố Yên Bái cải thiện diện mạo đô thị từ Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc”

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/6/2023 | 1:58:41 PM

YênBái - Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai trên địa bàn thành phố Yên Bái từ năm 2015 đến nay đã hoàn thành. Dự án được triển khai mở ra cơ hội cải thiện diện mạo đô thị thành phố nhưng lại áp dụng phương thức đầu tư mới chặt chẽ hơn.

Bờ hồ trung tâm Km5 được cải tạo, góp phần xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Bờ hồ trung tâm Km5 được cải tạo, góp phần xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Do đó, thành phố Yên Bái đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố phối hợp thực hiện nghiêm túc, bài bản nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn và phát huy hiệu quả lâu dài của các công trình.

Dự án có tổng mức đầu tư 718,835 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA 618,453 tỷ đồng, vốn đối ứng 100,382 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2015 - 2022 với 2 giai đoạn chính và một giai đoạn bổ sung phần vốn dư. Mục tiêu nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, điều kiện vệ sinh môi trường và nâng cao mức sống cho người dân nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý đô thị cho chính quyền địa phương. 


Đây là dự án đầu tiên thực hiện trên địa bàn thành phố sử dụng nguồn vốn vay WB theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả đầu ra. 

Theo phương thức này, WB thực hiện tạm ứng một phần kinh phí không quá 25% tổng kinh phí của Dự án trong quá trình thực hiện; kinh phí sẽ chỉ được giải ngân và khấu trừ vào phần kinh phí tạm ứng dựa trên kết quả thực hiện các chỉ số đầu ra hàng năm của dự án được Kiểm toán Nhà nước xác nhận kiểm đếm vào năm tiếp theo và được WB chấp thuận. 

Dự án được triển khai bao gồm 54 hạng mục công trình với hơn 40 km đường giao thông được đầu tư làm mới, nâng cấp và cải tạo, nhiều công trình có quy mô lớn như đường Nguyễn Tất Thành; đường Nguyễn Văn Cừ; hệ thống 4 kè hồ trung tâm Km5 và 1 kè hồ Hòa Bình, kè suối Ngòi Yên; khu tái định cư; đường Km 4 - cầu Văn Phú; đường Bảo Lương; 6 trường mầm non trên địa bàn thành phố được đầu tư cải tạo đạt chuẩn; cùng một số hạng mục công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống hành lang, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt… 

Với số lượng hạng mục đầu tư lớn, phạm vi đầu tư rộng trên hầu hết các địa bàn xã, phường của thành phố, Dự án hoàn thành đã có tác động tích cực. Người dân có thu nhập thấp là những người hưởng lợi, có cơ hội tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống khi được hưởng các dịch vụ hạ tầng. Hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường được cải thiện. 

Điển hình là các hạng mục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu dân cư có thu nhập thấp gồm 11 khu (LIA) tại các phường Hồng Hà, Nguyễn Phúc, Yên Ninh, Yên Thịnh. Trong đó, phường Hồng Hà có gần 300 hộ dân thuộc các tổ dân phố Hồng Yên, Hồng Tân, Hồng Nam được hưởng lợi từ việc xây cầu, nâng cấp đường, cải tạo hệ thống cống rãnh thoát nước khu dân cư đã cải thiện đáng kể đời sống người dân. 

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Bí thư Chi bộ tổ dân phố Hồng Nam cho biết: "Trước đây, đường vào khu dân cư chỉ là đường bờ ruộng, chưa mưa đã úng ngập. Khi được đầu tư làm gần 600 mét đường bê tông, rộng 3 mét dẫn vào, người dân đi lại thuận lợi. Nhiều hộ dân có thêm điều kiện vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà khang trang, đất đai cũng có giá trị hơn”.

Trường Mầm non Yên Thịnh được đầu tư cải tạo và mở rộng một số hạng mục ngay từ giai đoạn đầu triển khai Dự án. Theo đó, nhà trường được xây dựng mới 6 phòng học, 4 phòng học chức năng và hành chính quản trị; đồng thời, Dự án cũng đầu tư xây dựng mới cầu bê tông cốt thép với tổng chiều dài 9 mét, rộng 6 mét thay thế cho chiếc cầu sắt cũ dẫn vào trường phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các phụ huynh đưa đón trẻ. 



Công trình cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Tất Thành, đoạn qua địa phận thành phố Yên Bái cũng là một trong số 3 công trình nâng cấp đường và cầu thuộc giai đoạn sử dụng vốn dư từ chương trình triển khai trên địa bàn giai đoạn năm 2021 - 2022. 

Trong đó, giữ nguyên hiện trạng cơ tuyến và mặt đường, Dự án chỉ đầu tư nâng cấp, cải tạo lại mặt đường, vỉa hè, hệ thống rãnh thu thoát nước, hệ thống an toàn giao thông với tổng chiều dài trên 4.153 m và được chia làm 3 đoạn. Theo đó, thay mới toàn bộ kết cấu vỉa hè và bó vỉa đường cũ đã xuống cấp, hư hỏng; hệ thống báo hiệu giao thông theo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ… 

Phường Đồng Tâm được triển khai thực hiện nhiều hạng mục công trình nhất. Trong đó, nâng cấp 7 tuyến đường, cải tạo 4 hồ trung tâm Km5 cùng một số hạng mục điện chiếu sáng và chỉnh trang đô thị khác. 

Theo ông Lương Xuân Quỳnh - Quyền Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm: "Các công trình thuộc vốn WB được triển khai đã cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, điều kiện vệ sinh môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại thành phố nói chung và người dân phường Đồng Tâm nói riêng. Để phát huy hiệu quả các công trình, phường đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc vận hành, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân đi đôi với sử dụng sẽ tích cực bảo vệ để các công trình phát huy hiệu quả về lâu dài”.

Chương trình đô thị miền núi phía Bắc từ vốn vay WB được triển khai trên địa bàn thành phố Yên Bái đến nay đã hoàn thành 54/54 hạng mục công trình theo phê duyệt và được Kiểm toán Nhà nước xác minh đạt kết quả, đủ điều kiện giải ngân theo quy định của Dự án. 



Các hạng mục công trình được triển khai đều đạt yêu cầu về chất lượng cũng như đảm bảo các biện pháp an toàn, vệ sinh môi trường. Với phương thức đầu tư chặt chẽ và tầm quan trọng của Dự án nên ngay từ khi triển khai, UBND tỉnh đã đưa dự án vào danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh để tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai. 

Theo đó, UBND thành phố là đơn vị chủ đầu tư đã thành lập Ban Quản lý Dự án chuyên trách gồm những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt. Các danh mục đầu tư đã được lựa chọn tốt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của dự án, đặc biệt là đề cao tính phù hợp, hiệu quả và sự hưởng lợi của người dân với các hạ tầng được đầu tư. 

Đồng thời, lựa chọn được các nhà thầu tư vấn có năng lực về kỹ thuật, có kinh nghiệm lập các dự án lớn nên đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng đáp ứng các yêu cầu cao của dự án. Thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Dự án. Các xã, phường có các hạng mục đầu tư đã thành lập tổ giám sát cộng đồng. 

Có thể khẳng định, sau khi Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần đáng kể chỉnh trang bộ mặt đô thị của thành phố Yên Bái, đạt được mục tiêu ban đầu đề ra là cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, điều kiện vệ sinh môi trường, thay đổi diện mạo đô thị thành phố; đồng thời, nâng cao mức sống, chỉ số hạnh phúc của người dân; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại. 

Minh Chín - Đức Minh (Trung tâm TT-VH thành phố Yên Bái)

Tags Thành phố Yên Bái nguồn vốn cải thiện diện mạo đô thị Dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc WB

Các tin khác
Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng.

Hàng loạt dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thông xe đưa vào khai thác đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến thời điểm hiện nay là 1.822km.

Phát triển chăn nuôi lợn đã giúp gia đình bà Hoàng Thị Mai, thôn An Thịnh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên có điều kiện nâng cao đời sống.

Thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND (NQ 69) của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo động lực mạnh mẽ cả về vật chất, tinh thần giúp những người dân còn khó khăn ở huyện Trấn Yên thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Người dân xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) tham gia dự án thí điểm giống cây mới để  phát triển kinh tế tại địa phương.

Các hộ gia đình, cá nhân đang vay vốn các chương trình tín dụng tại vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục được giải ngân vốn vay còn lại để thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Từ năm 2021 đến nay, đã có 19.250 lượt hộ nông dân Văn Chấn được tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp...

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, huyện Văn Chấn đã tập trung phát động các phong trào thi đua, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục