Để công nghiệp Yên Bái giữ nhịp tăng trưởng

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/6/2023 | 7:41:30 AM

YênBái - Những tháng đầu năm, ngành công nghiệp trên địa bàn Yên Bái tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi đơn hàng của nhiều doanh nghiệp giảm, chi phí đầu vào không ngừng tăng cao.

Sản xuất giấy vàng mã tại Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
Sản xuất giấy vàng mã tại Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.

Giữ nhịp sản xuất, duy trì tăng trưởng

Những tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng bởi lạm phát ở một số nước nhập khẩu, thắt chặt tiêu dùng, chi phí đầu vào tăng cao nên số lượng một số sản phẩm công nghiệp bị cắt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh đó, bên cạnh thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi sớm đưa vào hoạt động để phát huy năng lực mới trong sản xuất. 

Sự tác động kịp thời của chính sách, các biện pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh, của ngành, nỗ lực vượt khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp có nhiều phục hồi khởi sắc.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, sản xuất công nghiệp duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 7,81% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp  giá so sánh 2010 đạt 6.478 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ, bằng 38,3% kế hoạch năm (16.900 tỷ đồng). 

Một số sản phẩm chính có giá trị sản xuất công nghiệp tăng như: Felspat bột đạt 71.030 tấn tăng 22,76%; đá CaCO3 hạt + bột đạt 782.000 tấn tăng 19,13%; đá xẻ đạt 305.000 m2, tăng 2,47%; điện thương phẩm ước đạt 464,6 triệu kWh tăng 4,85%; chè chế biến ước đạt 8.800 tấn tăng 6,02%; xi măng + Clinker ước đạt 1.071.000 tấn tăng 14%. 

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, sản phẩm khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường như: Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An Việt Nam, Công ty Sản xuất và Đầu tư Lâm Phong, Công ty cổ phần Quốc tế khoáng chất, Công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhựa gỗ châu Âu… 

Còn nhiều thách thức

Sản xuất tăng trưởng khá, tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất, kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn do sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, đặc biệt giá vật tư, nguyên liệu đầu vào đều tăng và đây là bài toán khó đối với doanh nghiệp. 

Theo phản ánh của Công ty TNHH Phát triển khoáng sản Đông Dương ở Khu Công nghiệp phía Nam, nguyên liệu đá hoa trắng Công ty đang sử dụng hiện rất khan hiếm; trong khi đó, đây lại là nguyên liệu chính để phục vụ cho sản xuất tại nhà máy. 

Giá nguyên liệu tăng cao, dẫn đến, Công ty gặp khó khăn về nguyên liệu và khả năng nhận đơn hàng khi khách hàng yêu cầu. Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái cho biết: Công ty gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do bị cạnh tranh mạnh trong nước, giá bán thấp do không xuất khẩu được trong khi giá nhiên liệu (than, xăng dầu) tăng đột biến đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty. 

Là đơn vị giữ vững mức tăng trưởng ổn định, song thời gian qua, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cũng gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng xuất khẩu: giấy đế, giấy vàng mã, tinh bột sắn chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, do suy thoái về kinh tế, khiến lượng đơn hàng sụt giảm do sự cắt giảm chi tiêu của 2 thị trường này. Tính riêng trong quý 1/2023, xuất khẩu tinh bột sắn của Công ty chỉ đạt 2,5 triệu đô la Mỹ và hiện đang tồn kho 20.000 tấn. 

Hoạt động xuất khẩu giấy vàng mã, giấy đế sang thị trường Đài Loan cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trung bình 3 tháng đầu năm của những năm trước đây, Công ty xuất khẩu được khoảng 1.700 tấn, nhưng nay sản lượng xuất khẩu đã giảm xuống còn 1.000 tấn. 

Xuất khẩu giảm, nên hoạt động của một số nhà máy phải tạm dừng để tìm đối tác hoặc phải hoạt động cầm chừng. Tình trạng khó khăn về tiêu thụ, hàng hóa sản xuất tồn kho không bán được cũng đang diễn ra ở Công ty cổ phần Sứ cách điện Việt Nam. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất vay ngân hàng để phục vụ sản xuất còn cao. Theo phản ánh của doanh nghiệp, mặc dù chính sách vay vốn ngân hàng đã cởi mở hơn, các ngân hàng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa hạ nhiệt.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2023 ước đạt 28,1 triệu USD, tăng 2% so với tháng trước, tăng 3% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng ước đạt 124,2 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 87,4% so với kịch bản 5 tháng, bằng 35,5% kế hoạch năm (350 triệu USD). (Nguồn Sở Công Thương) 

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách Trung ương, của tỉnh đã ban hành về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế. Tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi số. 

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cho các dự án đang khởi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đi vào hoạt động, đóng góp cho tăng trưởng và tạo việc làm. 

Bên cạnh đó, các ngành địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đối tác, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu. Thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. 

Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hội, hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh cần tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp; chủ động cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách, định hướng mới của Trung ương, của tỉnh nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hội viên để kịp thời phản ánh với cấp trên. 

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Được biết, trong tháng 6 này, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị chuyên đề về xuất khẩu, hội nghị tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Văn Thông

Tags Yên Bái công nghiệp tăng trưởng sản xuất thị trường doanh nghiệp

Các tin khác
Giữ vững trục truyền tải 500kV Bắc - Nam để đảm bảo điện cho miền Bắc mùa nắng nóng.

Ngưỡng truyền tải công suất trong ngắn hạn trên đường dây 500kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 - Hà Tĩnh theo chiều Nam - Bắc đã được nâng lên tới 2.600 MVA trong một số giờ cao điểm nhằm ưu tiên mục tiêu giữ nước cho các hồ thủy điện đa mục tiêu tại miền Bắc.

Bộ GTVT chính thức lấy ý kiến người dân về tăng trần giá vé máy bay nội địa. (Ảnh minh hoạ).

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng khung trần giá vé máy bay nội địa với một số nhóm cự ly đường bay dài từ 500 km trở lên, với mức tăng cao nhất thêm 250.000 đồng/chiều so với giá trần hiện hành.

Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam đầu tư nhiều phòng sản xuất có điều hòa cho người lao động.

Nắng nóng kéo dài, có đợt cao điểm nhiệt độ lên tới 40oC, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, năng suất của người lao động trong các công ty, nhà máy, phân xưởng… Để kịp thời "giảm nhiệt”, hầu hết các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn huyện Trấn Yên đều chủ động các biện pháp nhằm tăng cường chống nắng nóng, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, duy trì tiến độ sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra.

5 tháng đầu năm toàn huyện Yên Bình trồng mới 50 ha và chăm sóc tốt 2.174 ha cây ăn quả.

4 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: sản xuất nông, lâm nghiệp đã cơ bản thu hoạch xong 2.366 ha lúa xuân, sản lượng đạt trên 13 nghìn tấn; trồng mới 50 ha và chăm sóc tốt 2.174 ha cây ăn quả, 500 ha chè; trồng mới trên 3.144 ha rừng; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6.740 tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục