Công nghiệp Yên Bái phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/12/2022 | 7:35:37 PM

YênBái - Năm 2022, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng không phải ngoại lệ. Nhờ sự nỗ lực của tỉnh, các sở, ngành, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp tỉnh Yên Bái phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh.

Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành sản xuất ván ép xuất khẩu.
Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành sản xuất ván ép xuất khẩu.

Chính quyền, doanh nghiệp cùng đồng hành

Thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất, giữ đà tăng trưởng... 

Cùng với đó, trong năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan chú trọng theo dõi, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án trọng điểm của tỉnh. Sở Công Thương tập trung triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại. 


Cũng như nhiều DN khác, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Trong đó, thách thức lớn nhất phải kể đến là dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bị thu hẹp; giá nguyên liệu, vật tư tăng cao khiến chi phí đầu vào sản xuất tăng hơn 7% so với năm 2021. 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Công ty vẫn quyết tâm duy trì sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thử nghiệm chất lượng, phát huy hiệu quả trong việc áp dụng sự tiến bộ của các hệ thống quản lý chất lượng”. 

Nhờ đó, năm 2022, Công ty sản xuất, cung cấp ra thị trường trên 4.300 tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 120 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm sứ cách điện Hoàng Liên Sơn của Công ty tiếp tục được công nhận sản phẩm Thương hiệu Quốc gia năm 2022. 

Trong năm 2022, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái có những giải pháp cụ thể không những duy trì sản xuất mà còn tăng trưởng hơn so với năm trước. Ông Nguyễn Quang Chiến - Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Công ty đã đầu tư chiều sâu vào Nhà máy Xi măng bằng việc cải tạo hệ thống lò nung clinker, nâng cao năng suất của lò nung; thay thế hệ thống nghiền xi măng mới tiên tiến. Cùng với đó, Công ty chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ tự động hoá trong khâu đóng bao và bốc xếp hàng hoá làm tăng năng suất lao động, giảm đáng kể chi phí nhân công…”. 

Cùng với sự tăng trưởng của sản phẩm xi măng, chất lượng sản phẩm CaCO3 của Công ty cũng được đánh giá đứng đầu cả nước và trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong khâu tiêu thụ, Công ty thiết lập hệ thống các nhà phân phối, các đại lý bán hàng cung ứng sản phẩm phù hợp theo từng vùng, thị trường. Nhờ đó, năm 2022, tổng doanh thu của Công ty đạt 849 tỷ đồng, tăng trên 103% so với năm 2021, nộp ngân sách trên 22 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021.

Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn sản xuất sứ cách điện. 

Theo báo cáo của Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh theo giá hiện hành năm 2022 đạt 21.218 tỷ đồng, tăng 9,43% so với cùng kỳ năm 2021, ước tính theo giá so sánh 2010 đạt 15.540 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành cả năm 2022 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,85%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 41,12%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,41%. 

Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: "Tình hình sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt kết quả tốt nhờ một số sản phẩm chủ lực được mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, một số nhà máy, dự án mới đi vào hoạt động cũng đã gia tăng sản lượng đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Nhiều DN duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động như: Công ty TNHH Đá Cẩm thạch RK Việt Nam, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, Công ty TNHH ngành gỗ Thiên An, Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái…”.

Giữ vững nhịp tăng trưởng, lạc quan đón cơ hội

Kết quả đạt được trong năm 2022 là tiền đề quan trọng để sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và là trụ cột đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái. Năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 9%, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt trên 16.900 tỷ đồng. 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021 - 2025. 

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sản xuất công nghiệp, thủy điện, điện mặt trời…; đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo hướng giao thông thuận tiện, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; xúc tiến, thu hút đầu tư có hiệu quả vào các dự án công nghiệp quy mô lớn, các dự án chế biến sâu. 

Tại Công ty TNHH Unico Global YB, Khu công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái, trên 1.300 công nhân đang khẩn trương sản xuất để chuẩn bị cho những đơn hàng xuất khẩu ngay trong quý I năm 2023. Lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2022, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tăng trở lại giúp cho đơn vị có đơn hàng dồi dào mang lại trên 175 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu 159 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty đã chuẩn bị nguyên liệu và bố trí nhân công để kịp sản xuất đủ đơn hàng cho năm 2023. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Trung Lân cho biết: Ngành Công Thương tiếp tục triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. 

"Ngành cũng sẽ rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, hỗ trợ các DN thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh trong những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên” - ông Lân nói.

Với sự năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, tin tưởng rằng, ngành công nghiệp của Yên Bái sẽ tiếp tục khởi sắc.

Hồng Duyên

Tags Công nghiêp doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng xi măng bột đá xử lý rác

Các tin khác

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới" sau đại dịch Covid-19.

Nhân dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái tháo dỡ tường xây, nhà, dịch rào hiến đất để mở rộng đường giao thông.

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái triển khai thi công nhiều công trình xây dựng cơ bản, trong đó có nhiều dự án, công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiên độ. Kết quả có được nhờ các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường chỉ đạo, làm tốt công tác đối thoại với nhân dân để cùng tháo gỡ các "nút thắt” trong giải phóng mặt bằng (GPMB) cho từng dự án.

Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường, trong đó có đặc sản bưởi Đại Minh, Yên Bình.

Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,95%, vượt kế hoạch giao 1,41%, đóng góp 22,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa Yên Bái đứng thứ 6 trong 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ.

Thị trường vàng trong nước trầm lắng.

Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, trước khi kết thúc năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục