Trước năm 2022, anh Sùng A Sèo ở xã Cát Thịnh đã có 11 con trâu, bò nhưng chủ yếu là chăn thả tự nhiên trên đồi rừng nên thường bị bệnh chết mà không rõ nguyên do. Khi được địa phương phổ biến về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi sản xuất theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, anh Sèo quyết tâm gây dựng mô hình nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa từ chuồng trại, thức ăn đến kinh nghiệm chăm sóc, bệnh dịch… Tất cả anh Sèo đều tự học ở trên mạng rồi cẩn thận hỏi lại cán bộ khuyến nông để có sự tư vấn chính xác.
Anh Sùng A Sèo chia sẻ: "Mình đã trồng khoảng 3.000 m2 cỏ và xây dựng chuồng trại đúng quy cách, đảm bảo để nuôi hàng hóa. Mình cũng chọn những con giống tốt để nuôi. Nghiêm túc chuẩn bị các điều kiện cơ bản để phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa và mô hình của mình đã được nghiệm thu, được hỗ trợ 30 triệu đồng từ chính sách, giúp mình giải quyết được phần nào khó khăn về vốn đầu tư ban đầu”.
Những hỗ trợ của chính sách không những góp phần thay đổi nhận thức mà còn tìm hướng đi có hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ của nhiều gia đình. Đặc biệt, khi diện tích cam bị chết do bệnh vàng lá thối rễ ngày một tăng lên, một số hộ dân ở các xã vùng ngoài của huyện đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa cũng nhờ có sự thúc đẩy của chính sách này.
Anh Nguyễn Xuân Hải ở xã Minh An chia sẻ: "Khi cam chết không thể khắc phục, tôi đã chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò tập trung. Lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật về chăn nuôi, nhưng đến khi nắm vững quy trình, tôi thấy chăn nuôi bò tập trung bán công nghiệp rất hiệu quả, chi phí, nhân công lại phù hợp”.
Được hỗ trợ 30 triệu đồng từ chính sách, anh Hải đã tiếp tục đầu tư chuồng trại, mua con giống, mở rộng diện tích trồng cỏ. Đến nay, gia đình anh đã có 22 con bò sinh sản, mỗi năm thu nhập đạt 250 triệu đồng.
Sau 2 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi sản xuất theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ theo Nghị quyết số 69 ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, huyện Văn Chấn đã có 165 cơ sở được nghiệm thu với tổng kinh phí đạt trên 5 tỷ đồng.
Nghị quyết góp phần nâng tổng đàn gia súc chính ở huyện tăng lên rõ rệt; trong đó, đàn trâu 14.050 con, bò 7.650 con và hơn 92.800 con lợn cùng nhiều gia cầm các loại. Toàn huyện cũng đã xây dựng được gần 150 mô hình chăn nuôi lợn quy mô vừa, 113 cơ sở chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 10 con trở lên.
Nhiều mô hình chăn nuôi đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tiêu biểu như: hộ anh Nguyễn Văn Cầu, thị trấn Sơn Thịnh luôn duy trì quy mô 60 con trâu, bò vỗ béo thương phẩm mỗi lứa, cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm; hộ ông Hoàng Văn Thao, xã Chấn Thịnh với mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa có quy mô 15 lợn nái kết hợp trên 30 lợn thịt cho thu nhập trên 150 triệu đồng…
Để giúp người dân nắm rõ các nội dung, định mức, yêu cầu của chính sách và đăng ký thực hiện, hàng năm, các cuộc tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức: tờ rơi, hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp thôn...
Huyện cũng chỉ đạo cán bộ chuyên môn rà soát, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện tu sửa, làm mới, nâng cấp chuồng trại, đảm bảo diện tích, chuẩn bị con giống đảm bảo theo yêu cầu; chú trọng phổ biến kiến thức về quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; chủ động hướng dẫn các hộ hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán đảm bảo theo quy định.
Năm 2023, các xã, thị trấn đăng ký xây dựng 1 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò và 52 cơ sở chăn nuôi theo hướng sản xuất đặc sản, hữu cơ với tổng kinh phí là 1.601 triệu đồng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa và tư duy hàng hóa.
Hoài Anh